01:27 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đất ở bỗng dưng thành đất dự án trồng rừng?

11:32 18/04/2023

(THPL) - Đất ở đã được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông Phạm Thái Hòa, 58 tuổi, ở xã Lâm Hợp (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhưng bị dự án trồng rừng chồng lên. Khi ông Hòa chở vật liệu đến làm nhà thì bị ngăn cản.

Vợ chồng ông Phạm Thái Hòa, 58 tuổi, ở xã Lâm Hợp (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Ảnh: Văn Định

Được biết, năm 1990, vợ chồng ông Hòa ra vùng đất Cây Sung thuộc thôn Kim Hà, xã Kỳ Lâm (nay là xã Lâm Hợp) khai hoang, dựng nhà sinh sống.

Đến năm 1993, chính quyền xã hướng dẫn vợ chồng ông Hòa kê khai đất và nhà ở. Một năm sau, huyện Kỳ Anh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hòa, với diện tích đất ở 300m2.

Đất ở thành đất dự án?

Do con cái thường hay đau ốm, cuối năm 1994 ông Hòa đã đưa cả gia đình về nhà mẹ đẻ là bà Phan Thị Thương sinh sống. Thấy túng thiếu đủ bề, ông Hòa vào Nam làm ăn. Ở quê, vợ ông vẫn hằng ngày đến trông nom, trồng hoa màu trên lô đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Năm 1999, dự án trồng rừng Việt – Đức được triển khai ở xã Kỳ Lâm cũ. 300m2 đất ở của vợ chồng ông Hòa “bỗng dưng” thành đất dự án trồng rừng. “Thời điểm thực hiện dự án trồng rừng, chồng tôi đang ở miền Nam. Thấy đất ở của mình bị lấy trồng rừng, không đền bù gì, tôi đã nói mà không ai chịu nghe cho”, vợ ông Hòa - bà Cao Thị Mai nhớ lại.

Theo ông Hòa, lúc thực hiện dự án trồng rừng, vợ chồng ông không nhận được giấy tờ gì về thu hồi đất. Khi ở miền Nam về, ông thấy đất ở của mình được ông Trần Văn Hoàn - người cùng xóm trồng phủ hết cây thông. “Tôi có hỏi ông Hoàn, tại sao ông lại trồng cây lên đất của vợ chồng tôi? Ông ấy nói, cấp trên giao đất, giao cây giống cho thì trồng. Hồi đó, cuộc sống vợ chồng tôi đang bữa cháo, bữa rau lấy kinh phí mô mà lên tỉnh kiện, đòi lại đất. Năm này qua năm khác, vợ chồng cứ trông mong cây của dự án nhanh thu hoạch để đến lấy lại đất, không ngờ kéo dài đến nay…”, ông Hòa tâm sự.

Đến năm 2022, ông Hoàn tiến hành khai thác cây bán. Thấy vậy, ông Hòa đến phát cây bụi, trồng cây keo trên đất của mình, nhưng bị ông Hoàn phản ánh với chính quyền. Do đó xã Lâm Hợp đã mời hai hộ dân lên làm việc, lập biên bản cấm ai đến trồng cây.

Trong thời gian chờ hòa giải, ông Hoàn đã chặt phá cây của ông Hòa để trồng lại cây mới. Còn ông Hòa chở cát sỏi, xi măng đến xây nhà nhưng bị ông Hoàn ngăn cải, xua đuổi…

Yêu cầu đền bù là không đúng!

Để làm sáng tỏ hơn việc tranh chấp đất này, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Trần Văn Hoàn ở thôn Kim Hà. Ông Hoàn cho biết, năm 1999 dự án trồng rừng Việt – Đức giao 1,66 héc - ta đất rừng cho vợ chồng ông trồng cây thông. Đến năm 2000, diện tích đất này của ông Hoàn được huyện Kỳ Anh cấp sổ lâm bạ.

“Hồi lên làm dự án tôi không thấy nhà cửa gì chỉ thấy bãi đất trồng sắn của ông Hòa. Sau đó tôi có trồng cây dự án lên đất của ông ấy. Diện tích đất này nằm trong diện tích đất rừng đã được huyện cấp giấy tờ cho tôi. Do đó, khi ông Hòa chở vật liệu đến làm nhà mà không hỏi ý kiến đã bị tôi lùa cho chạy một trận”, ông Hoàn phân bua.

Khi được hỏi việc thực hiện dự án trồng rừng chồng lên đất ở của ông Hòa sẽ giải quyết như thế nào? Ông Hoàn trả lời: “Nếu xã cắt đất rừng của tôi giao cho ông Hòa thì xã phải đền bù, hỗ trợ vì đất của tôi được cấp giấy tờ hẳn hoi”.

Ông Phạm Thái Hoa, Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp cho biết, sau hơn 20 năm đất của ông Hòa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nay tiếp tục sử dụng là đúng. Khi thực hiện dự án trồng rừng Việt – Đức, cơ quan chức năng đã cấp đất rừng cho ông Hoàn chồng lên đất ở của ông Hòa, nguyên nhân là do người thực hiện dự án không xác minh rõ nguồn gốc đất.

 “Vụ việc này chúng tôi mời hai gia đình lên hòa giải ba lần mà chưa có kết quả. Vợ ông Hoàn đến ủy ban hỏi tôi, ông Hòa có đổ vật liệu trên đất dự án để làm nhà có sai không? Tôi giải thích đất của ông Hòa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trước thì sẽ có quyền sử dụng. Còn việc đất rừng của nhà chị được cấp sau nhưng lại trùng lên thì về mặt quản lý Nhà nước của địa phương là sai thật. Cái sai này phải được khắc phục…”, ông Hoa lý giải.

Ông Phạm Thái Hòa đứng trên mảnh đất được cấp giấy quyền sử dụng đất mà không được trồng cây, làm nhà. Ảnh : Văn Định 
Theo ông Hoa, trước đây cấp giấy quyền sử dụng đất cho ông Hòa, không có sơ đồ, tọa độ, vị trí như hiện nay. Qua xác minh một số người dân, trước năm 1992 gia đình ông Hòa có sinh sống ở vùng đất Cây Sung, sau đó chuyển về ở chung với mẹ ruột. Ủy ban nhân dân xã Lâm Hợp sẽ phối hợp với người dân, các đoàn thể và hai gia đình xác minh vị trí để bàn giao đất lại cho ông Hòa.

Xã Lâm Hợp xác định sẽ cắt 300m2 đất rừng của ông Hoàn giao cho ông Hòa là đúng với quy định. Nhưng ông Hoàn yêu cầu hỗ trợ, đền bù thì xã xử lý ra sao? Ông Hoa cho rằng: “Không thể hỗ trợ, đền bù cho ông Hoàn được. Ông Hoàn trồng cây trên đất người ta, nay yêu cầu ủy ban xã trích ngân sách ra hỗ trợ, đền bù là không đúng” !

                                             Văn Định – Trần Dũng

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu