23:08 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Da giầy Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu 21,5 tỷ USD

Minh Anh (tổng hợp) | 17:23 15/07/2019

(THPL) - Triển vọng của ngành da giầy vẫn tiếp tục được đánh giá cao khi nhu cầu tiêu dùng giầy dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng trong năm 2019.

Theo TTXVN, năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao.

Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.

Ngành da giày dự báo trong năm 2019 này sẽ tiếp tục khả quan. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018 - 2019 để tránh tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, xuất khẩu da giày năm 2019 sẽ tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng.

Theo Vneconomy, cơ hội cho doanh nghiệp ngành giầy Việt Nam còn được hậu thuẫn thêm khi Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, từ đó khả năng cạnh tranh về lâu dài sẽ hạn chế hơn, vì vậy nhiều đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Sau khi gặp nhiều khó khăn thì những năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu da giầy không ngừng gia tăng. 

Cụ thể, năm 2015, kim ngạch của ngành đạt gần 15 tỷ USD, năm 2016 cũng thu về trên 16 tỷ USD; từ năm 2017, xuất khẩu giày dép và túi xách bắt đầu bứt phá, kim ngạch của ngành năm này đạt gần 18 tỷ USD, và năm 2018 vẫn duy trì đà tăng trưởng với tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 19,63 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại Đại hội nhiệm kỳ VII 2019 - 2024 vừa diễn ra chiều 10/7 tại Tp.HCM, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã công bố, trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,33 tỷ USD. 

Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Với kết quả nửa năm như vậy, nhiều hy vọng về con số kim ngạch sẽ đạt 21,5 tỷ USD trong năm 2019,  tăng 10% so với năm 2018 như mục tiêu đề ra.

Hiện, thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

So về trình độ tay nghề, ngành da giày Việt Nam không hề thua kém và được đánh giá cao về kỹ thuật. Bằng chứng là, da giày Việt xuất khẩu tới hàng trăm thị trường, thu về hàng chục tỷ USD giá trị trong những năm qua, như thống kê có đến 50 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Lefaso còn đánh giá rằng, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 3 về sản xuất da giày trên thế giới.

Hiện tại, ngành da giày đang thu hút trên 2.000 DN tham gia, giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Trong năm 2019 này, theo dự báo của Lefaso, sản xuất da giày sẽ tăng trưởng từ 10-11%; xuất khẩu da giày sẽ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong năm nay tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm da giày đạt 60%...

Song song đó, để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, Lefaso hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự các hội chợ nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Nâng cao hiệu quả về giải pháp phát triển nguồn nhân lực của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh đào tạo để nâng cao năng lực quản lý sản xuất của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chú trọng hơn việc xây dựng thương hiệu của mình nhằm có thể tiến ra thị trường quốc tế bằng tên riêng cho các sản phẩm.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu