09:11 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cục CSGT đề xuất chuyển hồ sơ phạt nguội về địa phương

16:44 01/12/2021

(THPL) - Ngày 1/12, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị có kiến nghị sửa đổi Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo đó, Cục đề xuất khi phát hiện trường hợp vi phạm qua camera giám sát trên các tuyến đường, cao tốc nhưng người vi phạm lại có địa chỉ ở tỉnh khác thì cảnh sát sẽ chuyển kết quả tới cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú để giải quyết. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người điều khiển phương tiện vi phạm không phải đi nhiều lần hay quãng đường xa đến trụ sở cơ quan chức năng giải quyết. Đồng thời, người vi phạm nộp phạt sẽ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Báo VietNamnet cho hay, theo quy định hiện hành, người vi phạm giao thông phải đến trụ sở đơn vị phát hiện vi phạm qua hệ thống phạt nguội để ký biên bản. Nhiều người vi phạm đã phải di chuyển hàng trăm cây số để đến nơi phát hiện vi phạm giải quyết thủ tục. Thậm chí có người vi phạm phải đi lại nhiều lần.

Chia sẻ về quy định này, anh Vũ Trần Quang (Hoàng Mai, Hà Nội) vi phạm lỗi đi quá tốc độ cho phép tại Hà Tĩnh nhưng lại sống ở Hà Nội. Anh Quang vượt hàng trăm cây số đến phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh để làm thủ tục nộp phạt.

“Nếu được chuyển hồ sơ phạt nguội về ngay địa phương nơi tôi sinh sống thì thuận tiện, tiết kiệm thời gian và cả xăng xe đi lại”, anh Quang cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Quang Quyền (Đồng Hới, Quảng Bình) là tài xế chạy xe đầu kéo, anh Quyền vi phạm tốc độ tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai nhưng vì tình dịch bệnh, đường xá xa xôi và đặc thù phải di chuyển liên tục nên sau gần 6 tháng anh mới đến được điểm xử lý vi phạm hành chính của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 để ký biên bản xử phạt.

Cục CSGT đề xuất chuyển hồ sơ phạt nguội về địa phương. Ảnh minh họa

 Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc lấy ý kiến và trình dự thảo sửa đổi Nghị định 100/2019 để ban hành vào đầu năm 2022.

Theo báo Tiền phong, hiện tại, đối với hình ảnh phương tiện vi phạm ghi nhận qua hệ thống giám sát được thông báo đến tổ CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến để thực hiện dừng phương tiện, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định.

Trường hợp không dừng ngay được phương tiện vi phạm để kiểm soát, xử lý thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thông tin về phương tiện, chủ phương tiện vi phạm và tiến hành gửi thông báo vi phạm kèm theo hình ảnh phương tiện vi phạm tới chủ phương tiện, yêu cầu đến giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định.

Đồng thời, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm (loại phương tiện, biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; số điện thoại liên hệ xử lý vi phạm) vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để chủ phương tiện, người vi phạm biết, đến giải quyết theo quy định và phần mềm cơ sở dữ liệu hệ thống giám sát để cảnh báo phương tiện vi phạm...

Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm mà người vi phạm chưa đến giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện gửi thông báo đến công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú, học tập, công tác hoặc nơi đặt trụ sở chính...

Sau khi người vi phạm đã đến giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết; đồng thời, cập nhật thông tin đã xử phạt vào phần mềm trên trang thông tin điện tử Cục CSGT và phần mềm cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát, để kết thúc cảnh báo phương tiện vi phạm.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu