03:27 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường

Phương Anh (tổng hợp) | 17:38 24/01/2022

(THPL) - Sáng nay 24/1, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022; đồng thời để xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực, Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Thi hành án dân sự.

Theo TTXVN, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: KTĐT

Theo báo Kinh tế và Đô thị, thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Từ đó tăng cường phân quyền, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, trong đó dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết đối với luật này.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan việc với hình thức một luật sửa nhiều Luật có nên duy trì trong các kỳ họp bình thường của Quốc hội chứ không chỉ riêng trong các kỳ bất thường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, kỹ thuật lập pháp dùng một luật để sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy pháp luật năm 2015, nhưng chỉ được áp dụng trong trường hợp cấp bách để xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.

Tuy vậy, trong việc xử dụng kỹ thuật lập pháp một luật sửa nhiều luật cần cố gắng hạn chế tối đa và không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này. Chỉ sử dụng trong những trường hợp cần thiết, cấp bách và được sử dụng trong những lĩnh vực có quan hệ xã hội gần với nhau.

Để dễ áp dụng Luật, các cơ quan sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo đúng quy định của pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời các bộ, ngành có liên quan đến việc sửa Luật sẽ tiến hành tăng cường phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Về việc đánh giá tác động của Luật đã đầy đủ chưa và biện pháp để chống tham nhũng chính sách, ông Phan Chí Hiếu cho biết, các chính sách lớn về các quy định cụ thể của dự án luật đã được đánh giá và tổ chức lấy ý kiến khá cụ thể. Mặt khác, các điểm sửa đổi, bổ sung đều là những nội dung tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật, cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Báo VOV thông tin thêm, trả lời câu hỏi liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua là rất thấp, việc sửa Luật Thi hành án dân sự lần này có tác động như thế nào đến việc đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tốt hơn. Tuy nhiên tính trung bình mới chỉ có khoảng 10% tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thu hồi được.

Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định trong một số trường hợp việc thi hành án phải xử lý tài sản xong trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác để thi hành án trên địa phương khác. Trung bình mỗi vụ việc xử lý tài sản khoảng 6 tháng, nếu trong một vụ án mà có 5 vụ việc thì thì phải kéo dài đến 3 năm.

"Luật Thi hành án dân sự đã tháo gỡ bằng cách bổ sung cơ chế mới, đó là cơ chế xử lý tài sản đồng thời trên 6 địa phương có tài sản. Như vậy, thời gian để xử lý tài sản, thi hành án sẽ được giải quyết một cách triệt để và đó là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục điểm nghẽn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng vừa chậm, vừa thấp như thời gian vừa qua" - ông Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu