08:06 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc vào chiều nay

Minh Đức (tổng hợp) | 08:20 11/01/2022

(THPL) - Chiều nay (11/1), Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV họp phiên cuối cùng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu bế mạc kỳ họp.

Theo báo Hà Nội mới, trong phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 4 nội dung quan trọng của kỳ họp, gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc kỳ họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Trước đó, ngày 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Internet

Tại phiên thảo luận, đã có 31 ý kiến đại biểu phát biểu và 9 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; việc giải ngân vốn đầu tư công khi sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; việc bổ sung hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư; ...

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo báo Giáo dục và Thời đại, chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tại phiên thảo luận, có 21 ý kiến đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án và cho rằng, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2015 sẽ là cú hích thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị; các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giảm thiểu tai nạn giao thông trong cả nước.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: phạm vi đầu tư; sự phù hợp của Dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; thời gian thực hiện Dự án; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về nguồn vốn và giải ngân vốn; về thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần; về tiến độ hoàn thành; về cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án; về tính kết nối của Dự án; chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án...

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị khi triển khai thực hiện Dự án, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung các giải pháp, có sự chỉ đạo quyết liệt từ khâu chuẩn bị đến phê duyệt, tổ chức triển khai Dự án và phải có các quy định về chế tài cụ thể để tránh chậm trễ việc hoàn thành Dự án; cần có quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là vai trò của Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của địa phương nơi có tuyến đường đi qua; đồng thời đề nghị Chính phủ có trách nhiệm định kỳ báo cáo Quốc hội; tổng kết đánh giá nguyên nhân các dự án BOT kém hiệu quả, rút kinh nghiệm để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong thời gian tới...

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu