19:12 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Công bố các sách giáo khoa lớp 1 mới trong tháng 10

Minh Anh (tổng hợp) | 12:52 07/10/2019

(THPL) - Dự kiến, trong tháng 10/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố những bộ sách giáo khoa lớp 1 đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới đạt thẩm định để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021.

Theo báo điện tử Vietnamnet, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ công bố các sách giáo khoa lớp 1 sử dụng cho chương trình phổ thông mới, khoảng từ ngày 15/10 – 25/10.

Thời gian công bố cụ thể phụ thuộc vào cuộc họp phê duyệt các bộ sách.

Ông Tài cho biết, theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng thẩm định, các sách giáo khoa được thể hiện rất đa dạng, bám sát quy định theo đúng tinh thần và độ mở của chương trình.

“Về cơ bản với sự minh bạch và công tâm của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt sau cuộc họp dựa trên các kết quả thẩm định. Chỉ trừ các trường hợp có đơn thư khiếu nại, phản ánh nếu có thì sẽ xem xét lại cụ thể”, ông Tài cho hay.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Vietnamnet.

Theo ông Tài, trong lần thẩm định lần sách giáo khoa lớp 1 mới này, có 9 bản thảo bị đánh giá “không đạt” ở các môn: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và xã hội, Toán, Tiếng Việt. Các bản thảo còn lại, đa số những tiêu chí về kỹ thuật được đánh giá “đạt” hoặc “đạt nhưng cần chỉnh sửa”.

Theo ông Tài, theo quy định cũng không yêu cầu mỗi bộ sách phải đầy đủ tất cả các môn. Tức không quy định bộ sách mà chỉ là mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong các bộ sách giáo khoa này đa số đầy đủ các môn. Môn học ít nhất thì có 4 sách giáo khoa chờ thẩm định.

Sau khi được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố những sách/bộ sách nào đạt chuẩn, các địa phương có thể được lựa chọn triển khai sao cho phù hợp với địa phương.

Theo báo Hà Nội mới, ông Thái Văn Tài chia sẻ, trong lần thẩm định này, có 9 bản thảo sách giáo khoa được đánh giá “không đạt” ở các môn: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Tiếng Việt” là do không đáp ứng được chương trình. Còn lại, đa số những tiêu chí về kỹ thuật đều được đánh giá “đạt” hoặc “đạt nhưng cần chỉnh sửa”.

Liên quan đến bản thảo sách giáo khoa Toán, tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” trong lần thẩm định này, ông Thái Văn Tài cho rằng: "Không chỉ riêng sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thời gian sử dụng lâu năm và lượng học sinh lớn nhưng không được Hội đồng thẩm định thông qua mà tất cả sách giáo khoa hiện hành nếu không chỉnh sửa để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng sẽ “rớt” ngay từ đầu".

Theo ông Thái Văn Tài, mặc dù những cuốn sách này cũng đã sử dụng được gần 20 năm, có hàng triệu học sinh đang học và nội dung xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5. Sách giáo khoa hiện hành muốn được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới đều cần phải chỉnh sửa, theo mạch nội dung, kiến thức quy định tại Thông tư 32.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo Luật Giáo dục, quy định “một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa”. Do vậy, khi đánh giá cuốn sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” vì không phù hợp với chương trình mới, một số ý kiến cho rằng, cần có đường đi riêng cho cuốn sách này. Tuy nhiên, đây là điều Luật không cho phép và không công bằng với hàng trăm tác giả khác đang thực hiện viết sách giáo khoa.

Nói rõ hơn về quy trình thẩm định sách giáo khoa lần này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng thẩm định có cơ cấu đa dạng và phủ kín, có nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Hội đồng thẩm định có quy trình làm việc rất chặt chẽ, qua hai vòng. Khi tác giả nghiên cứu chương trình và xây dựng ra bản thảo sách giáo khoa cần phải thông qua nhà xuất bản, nghĩa là được lọc qua một lần theo Luật Xuất bản".

Khi nhà xuất bản trình cuốn sách lên phải qua một Hội đồng, các thành viên có 15 ngày đọc sách, 1 ngày nghe tác giả báo cáo và 7 ngày để thảo luận xem bản thảo đó đạt hay không đạt. Kết thúc vòng 1, tác giả có 1 tháng để tiếp thu, chỉnh sửa. Đến vòng 2, tác giả có một buổi báo cáo Hội đồng về sản phẩm sau khi tiếp thu, trình bày phần chỉnh sửa. Sau đó, Hội đồng tiếp tục có 7 ngày để đánh giá lại và đưa ra kết luận cuối cùng.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu