19:55 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

CIEM khuyến nghị thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn

18:10 08/04/2022

(THPL) - “Thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành sản xuất đồ uống có cồn không còn phù hợp, cần nghiên cứu để thay đổi, nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng này”. Đó là quan điểm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quan điểm này được nêu ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” diễn ra ngày 08/04/2022 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của CIEM, phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành – thuế tương đối (ad valorem) không có tác động trực tiếp làm giảm tiêu thụ cồn nguyên chất, thậm chí trong dài hạn còn khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm giá rẻ hơn với lượng cồn nguyên chất cao hơn, dẫn tới nguy cơ cao hơn về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn

Mặt khác, phương pháp này hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn bởi nhiều nước phát triển trên thế giới đã chuyển hoàn toàn sang đánh thuế tuyệt đối (như Úc, Canada, Nhật Bản, Mỹ và hầu hết các nước OECD) và các nước láng giềng, các nước có điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam cũng đã chuyển dần sang thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp (như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia). Trong bối cảnh đó, CIEM nhận định, việc nghiên cứu và tìm ra phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý, khắc phục được những hạn chế đã nêu ở trên và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra, nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, phương pháp thuế hỗn hợp, với hiệu ứng trading-up tăng cao hơn, hàm ý người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng, thương hiệu tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm…do đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ khu vực rượu nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, xung quanh nội dung này vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, chẳng hạn: phương thức đánh thuế mà Việt Nam đang tiếp cận, kinh nghiệm của các nước; sự phù hợp của cách tiếp cận này; tác động không cân xứng cho nhóm đối tượng khác nhau mà tác động của chính sách thuế có thể tạo ra (đặc biệt giữa ngành sản xuất rượu chính thức và thủ công);…

Trên cơ sở đó, CIEM đề xuất, Chính phủ tiếp tục ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây cũng là giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, hướng tới việc tăng thu ngân sách nhà nước trong dài hạn. Mặt khác, đẩy mạnh việc quản lý khu vực đồ uống có cồn phi chính thức – yếu tố sống còn giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách cả về việc giảm tiêu thụ đồ uống có cồn nói chung và giảm lạm dụng loại đồ uống này nói riêng cũng như tăng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, CIEM khuyến nghị, khi thực hiện sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm phù hợp, cần xem xét việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp dựa trên số lít cồn nguyên chất – LPA thay cho thuế tương đối do các ưu điểm vượt trội trong việc giúp đạt các mục tiêu chính sách cũng như phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.

Văn Nghĩa

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu