17:47 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

CIEM dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên mức 6,48% trong năm 2024

20:49 15/01/2024

(THPL) - Mới đây, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, theo kịch bản 1 đạt tăng trưởng 6,12%, kịch bản 2 tăng trưởng 6,48%.

Sáng ngày 15/1, CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng năm 2024 với chủ đề Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

Tại báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, ông Nguyễn Anh Dương - trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Tác động của một loạt cú sốc bất thường trong những năm gần đây đã gây ra sự bất ổn đáng kể cho thị trường hàng hóa.

Quá trình toàn cầu hóa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt liên quan đến phát huy và đổi mới hệ thống thương mại đa phương, cụ thể hóa các định hướng, sáng kiến hợp tác thương mại và đầu tư mới, hài hòa lợi ích giữa các nước lớn, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cùng với các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực.

CIEM dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên mức 6,48% trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Theo CIEM, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

Trước những kết quả khả quan trên, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% theo kịch bản 2. Cùng với đó, xuất khẩu tăng trưởng cả năm theo các kịch bản 1 và 2 lần lượt ở các mức 4,02% và 5,19%. Thặng dự thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD và lạm phát bình quân ở mức 3,94% và 3,72%.

Về thách thức trong năm 2024, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, một số diễn biến từ thế giới có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam cần được theo dõi. Đó là bầu cử ở nhiều trước trên thế giới, sự phuc hồi chậm của kinh tế toàn cầu, kịch bản điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự cạnh tranh ở các vấn đề mới như tài chính cho biến đổi khí hậu, AI hay thương mại số… Do vậy, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

“Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường. Chính ở đây, tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình thích ứng, và bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức yêu cầu bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà doanh nghiệp có”, báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam cũng có thể tranh thủ hỗ trợ của các đối tác FTA thông qua các điều khoản về hợp tác phát triển (chẳng hạn như trong Chương Hợp tác và Nâng cao năng lực của CPTPP, EVFTA…).

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu