19:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cần xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP ở mọi cấp

Tuấn Kiệt (t/h) | 14:54 23/11/2023

(THPL) – Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp hiệu quả để xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá nguy cơ ATTP trong nước.

Hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

Theo TS.BS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), để bảo đảm thực phẩm lưu hành trên thị trường an toàn, chúng ta cần phải truyền thông và đẩy mạnh mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm có thế mạnh ở Việt Nam. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Cùng đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh nguy cơ về an toàn thực phẩm ở mọi cấp. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vấn đề ATTP, hồi tháng 6 vừa qua, ba Bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế và Công thương đã thành lập và cử chuyên gia tham gia nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về ATTP. Việc thành lập nhóm kỹ thuật đánh nguy cơ về an toàn thực phẩm sẽ là một bước tiến lớn trong việc đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam, tiến tới thành lập Trung tâm Đánh giá nguy cơ quốc gia về an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): "Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không phải của riêng ai. Việc quản lý chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo, và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các bộ, ngành và địa phương".

Tuy nhiên, phối hợp liên ngành còn chưa ổn định, đào tạo nhân lực chưa đồng đều trên cả nước. Bên cạnh đó, ông Tiệp cũng nhận định hệ thống nông nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù. Điển hình, nếu thực phẩm ở các nước phát triển sẽ được vận chuyển trực tiếp từ trang trại tới nhà máy chế biến, thì ở nước ta, thương lái là đầu mối quan trọng trong chuỗi thực phẩm do sản xuất còn manh mún. Do đó, ông Tiệp đề xuất cần xác định cụ thể đội ngũ từ Trung ương tới địa phương, đồng thời xây dựng mô hình đào tạo dựa trên thực tiễn nông nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã thực hiện Đề án 518/QĐ-BYT nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm ở mọi cấp. Tuy nhiên, việc triển khai bị hạn chế do thiếu kinh phí, chưa đạt mục tiêu toàn diện.

Theo ông Lưu Đức Du - Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), đánh giá nguy cơ không chỉ là hoạt động lấy mẫu, kiểm nghiệm mà còn là công tác điều tra, xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc còn gây khó khăn cho việc điều tra. Ví dụ, mua bán không có hóa đơn hoặc qua đường tiểu ngạch còn phổ biến. Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các địa phương với nhau còn hạn chế...

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), đặc biệt là thực phẩm tươi sống.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.

"Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài"- bà Lê Việt Nga nói.

Trước những thách thức trên, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp. Việt Nam cần xây dựng cũng như duy trì hiệu quả hệ thống cảnh báo nhanh nguy cơ về an toàn thực phẩm ở mọi cấp.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu