03:27 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cấm dùng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản từ năm 2018

| 11:59 03/08/2017

(THPL) - Các tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật, thủy sản cũng là thủ phạm gây nên tình trạng kháng kháng sinh ở người, để lại những hậu quả khó lường và ngày càng có xu hướng lan rộng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề mới và nhức nhối, đe dọa sức khỏe hàng trăm ngàn người khi cơ thể có hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh. 

Trong khi đó, các loại kháng sinh không chỉ được lạm dụng trong chữa bệnh mà còn sử dụng rất rộng rãi trong chăn nuôi và thủy sản, sản xuất thực phẩm. Tồn dư kháng sinh từ thực phẩm vào cơ thể người là vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang hướng tới đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hiện đại và xuất khẩu thịt ra các nước. Vì vậy, vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi càng khẩn thiết.

Từ năm 2018, Việt Nam sẽ cấm dùng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. (Ảnh: Internet)

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã đề xuất triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng các loại kháng sinh, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

Theo đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dừng sử dụng các loại kháng sinh trong sản xuất thực phẩm (chăn nuôi và thủy sản), chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Tuy nhiên lộ trình đến năm 2020 thì sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Để phù hợp với chính sách này, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị sửa đổi, ban hành một số luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm…

Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát chất kháng sinh có 5 mục tiêu: Thứ nhất, rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Thứ hai, nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng kháng sinh. Thứ ba, là thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Thứ tư, giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Cuối cùng là tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị để triển khai hiệu quả kế hoạch này, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố cũng như kêu gọi hỗ trợ, hợp tác quốc tế, sự tham gia của các viện nghiên cứu… nhằm giảm sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa các mối đe dọa từ kháng kháng sinh.

Hạ Lan

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu