08:36 ngày 06/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Các yêu cầu đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong thời kỳ đổi mới hiện nay

14:42 19/07/2022

Thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,... (gọi chung là thôn); tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,... (gọi chung là tổ dân phố) là nơi sinh sống của một cộng đồng người dân Việt Nam trên một địa bàn nhất định, được hình thành một cách tự nhiên do quá trình phát triển kinh tế - xã hội; cộng đồng dân cư này có mối quan hệ liên kết chặt chẽ trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phòng chống thiên tai, địch họa, bảo vệ khu vực lãnh thổ địa giới được xác định hoặc được quy ước.

Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở cấp xã, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản như giúp đỡ nhau sản xuất, giảm nghèo, bảo thọ, xây dựng đời sống văn hoá, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, vệ sinh, môi trường..., tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Do đó, thôn, tổ dân phố không phải là cơ quan nhà nước, không có chức trách, thẩm quyền quản lý, không có tư cách pháp nhân, không có con dấu. Mặc dù, không phải là cấp chính quyền nhưng sự tồn tại và hoạt động của thôn, tổ dân phố là tất yếu không thể thiếu ở nước ta trong quá trình hoạt động của chính quyền cơ sở, có vai trò là cầu nối giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với từng hộ dân, người dân, giúp chính quyền cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Đứng đầu thôn, tổ dân phố là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố do nhân dân trực tiếp bầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận; là người vừa đại diện cho nhân dân và vừa đại diện cho chính quyền cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn, tổ dân phố; hoạt động hàng ngày tiếp xúc với dân, rất gần dân, sát dân và chịu sự giám sát của dân. Ngoài ra, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chịu sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, tổ dân phố; chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã; phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các hội ở thôn, tổ dân phố trong quá trình triển khai công tác. Như vậy, công việc hàng ngày của trưởng thôn, tổ dân phố vừa làm việc thôn, tổ dân phố vừa làm làm kinh tế để tạo thu nhập cho gia đình.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh, quốc phòng ở cơ sở; tổ chức cho nhân dân thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước; vận động nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội; báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã những diễn biến ở cơ sở; tập hợp, phán ánh, kiến nghị chính quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với chính quyền cấp xã, được nhân dân tín nhiệm, phát huy được vai trò của thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phần lớn đều làm việc theo kinh nghiệm và uy tín là chính nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; chưa phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; một số chủ trương, quy định của cấp trên triển khai còn chậm; công tác nắm bắt dư luận xã hội, thu thập xử lý thông tin và giải quyết các tình huống phát sinh chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Đặc biệt, khi có những tình huống chính trị - xã hội, dịch lệnh mới phát sinh, nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã lúng túng trong thực hiện các công việc cụ thể dẫn đến việc xử lý tình huống chưa đúng, chưa đầy đủ, thậm chí có trường hợp trốn tránh nhiệm vụ.

Để hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới hiện nay, đòi hỏi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Một là, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng, quyết định hiệu quả công tác và lòng tin của nhân dân đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Bởi vì, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người trực tiếp thực hiện các công việc của cộng đồng dân cư; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; phòng, chống các tệ nạn xã hội; xây dựng thôn, tổ dân phố đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Để thực thực hiện các nhiệm vụ này đòi hỏi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải nắm vững những chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện đầy đủ, chính xác các nhiệm vụ được phân công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đổi mới, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành những chủ trương, chính sách mới để phát triển đất nước, do đó trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải luôn luôn theo dõi để thực hiện và tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết.

Hai là, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải có các kỹ năng hoạt động.

Kỹ năng là khả năng vận dụng các kiến thức, sự hiểu biết của con người vào việc thực hiện một công việc nào đó nhằm tạo ra được kết quả như mong muốn. Để thực hiện các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố và nhiệm vụ của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ngoài kiến thức lý luận trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cần phải có những kỹ năng hoạt động. Bởi, trong mỗi nhiệm vụ, công việc cụ thể, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đều cần phải làm một chuỗi các hành động và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tới những công việc đó để giúp bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn như kỹ năng lắng nghe giúp chọn lọc được những nguồn thông tin quan trọng trong nắm bắt dư luận xã hội, xử lý thông tin, tuyên truyền; kỹ năng thuyết trình lại giúp thu hút và thuyết phục được người dân trong thực hiện hòa giải cơ sở, giải quyết các tình huống phát sinh nhỏ trong cộng đồng dân cư; phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố.

Ba là, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải là người có tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác.

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có vai trò quan trọng trong hoạt động của chính quyền cơ sở, là “cánh tay” nối dài của chính quyền với người dân, là người trực tiếp tổ chức cho nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước như vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình, dòng họ văn hóa cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phòng chống dịch bệnh; rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện đô thị văn minh... và nhiều công việc phát sinh đột xuất trong nhân dân. Do đó, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực và sáng tạo trong công tác.

Bốn là, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải có phẩm chất đạo đức.

Một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hoạt động của trưởng thôn,  tổ trưởng tổ dân phố là phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, gần gũi, hòa đồng với nhân dân. Thực tế, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật, có cuộc sống gia đình hạnh phúc thì uy tín của họ sẽ được tăng lên, nhờ đó khi phổ biến, vận động, tuyên truyền quần chúng sẽ đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là phải biết tổ chức cuộc sống gia đình văn minh, hiện đại nhằm làm gương cho nhân dân noi theo.

Năm là, phải có bản lĩnh chính trị. Thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối đã lợi dụng triệt để các loại hình, phương tiện truyền thông như mạng xã hội, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu... để tuyên truyền, kích động người dân thiếu hiểu biết tham gia gây rối trật tự, chống đối chính quyền; đồng thời bóp méo sự thật, gây hiểu lầm về những sự việc đang diễn ra ở các địa phương trên cả nước ta. Chúng tìm chọn, móc nối, lôi kéo số công dân ở các địa phương tham gia các tổ chức phản động và thực hiện các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước… Do đó, đòi hỏi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải có bản lĩnh chính trị vững vàng đề nhận diện, nắm bắt những thông tin, âm mưu thủ đoạn của các thể lực thù địch và kịp thời báo cáo với cấp trên.

Sáu là, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải là người công tâm, khách quan. Ở nhiều thôn có các dòng tộc, tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán khác nhau tạo ra khó khăn cho hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc tổ chức các công việc trong cộng đồng. Khi đứng trước sự lựa chọn giữa lợi ích chung, lâu dài của cộng đồng và lợi ích trước mắt, cục bộ của gia đình, dòng họ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải công tâm, giải quyết công việc khác quan; tránh phát sinh tư tưởng cục bộ địa phương, tránh những nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn giữa các thôn, tổ dân phố, giữa các gia đình, dòng họ thành những hành vi phạm pháp.

Trên đây là những yêu cầu đối với trưởng thôn, tổ dân phố trong tình hình mới hiện nay. Để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đáp ứng những yêu cầu trên, đòi hỏi: các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không ngừng rèn luyện, nghiên cứu và sáng tạo trong công tác; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng đối với trưởng thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của trưởng thôn, tổ dân phố trong tình hình mới để có những biện pháp khuyến khích phù hợp nhằm tạo động lực cho hoạt động của trưởng thôn; thường xuyên đánh giá kết quả hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền những chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trưởng thôn, tổ dân phố; có chế độ khen thưởng kịp thời đối. Ngoài ra, cần quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng riêng cho chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; nội dung bồi dưỡng tập trung vào các kiến thức pháp luật và các kỹ năng hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố như: pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý các vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn và các kỹ năng giải quyết đơn thư, xử lý tình huống trật tự xã hội, dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, môi trường; lập biên bản sự việc; soạn thảo văn bản; xử lý thông tin.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu