19:45 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ NN&PTNT "bêu tên" các doanh nghiệp không giảm giá thịt lợn

16:26 20/07/2020

(THPL) – Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết một số doanh nghiệp như CJ, Hòa Phát, Japfa... chưa phối hợp thực hiện giảm giá bán thịt lợn hơi.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/7 vừa qua cho hay, từ đầu tháng 4, giá thịt heo hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do nguồn cung giảm. Đàn heo nái, heo con chết và bị tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch tả heo châu Phi cả nước từ tháng 5 - 7/2019. Những heo nái không chết cũng bị hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được heo thịt từ các doanh nghiệp, phải qua nhiều khâu trung gian...

Ngoài một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019 sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020, còn phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 trở lại đây.

Đáng chú ý, theo đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt.

Bộ NN&PTNT "bêu tên" các doanh nghiệp không giảm giá thịt lợn (ảnh minh họa)

Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed,…) đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn thịt tại trại với giá từ 74.000-76.000 đồng/kg lợn hơi.

Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán heo thịt, thậm chí có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung như Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa… góp phần làm cho giá bị đẩy lên cao, theo Tieudung.vn thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 3936/BNN-VP ngày 11/6/2020 đồng ý về việc cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020 cho đến khi đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ triển khai các biện pháp, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống theo các quy định hiện hành.

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi đã có xu hướng giảm và hiện đang quanh mức 88.000-90.000 đồng/kg tại miền Bắc, 84.000-89.000 đồng/kg tại miền Trung và 84.000-88.000 đồng/kg tại miền Nam.

Theo báo Hải quan cho hay, năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng quý 1 đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quý 2 đạt hơn 900 nghìn tấn; quý 3 đạt hơn 1,0 triệu tấn; quý 4 đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn. Như vậy, đến cuối quý 3, đầu quý 4 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn.

Vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước nhập khẩu 11.411 con heo giống các loại (tăng 32,6 lần so cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần).

Heo giống nhập khẩu từ 4 nước: Thái Lan (chiếm 50,6%), Canada (33,2%), Hoa Kỳ (15,8%) và Đài Loan (0,4%). Heo nhập chủ yếu qua các cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt các loại 6 tháng đầu năm ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,8%.

Về nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn hàng bảo đảm nhập khẩu từ các quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với nhập khẩu lợn sống về giết mổ, Bộ NN&PTNT khẳng định tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn thịt về giết mổ ngay và nuôi thịt từ các nước lân cận. Tuy nhiên, cần đảm bảo lợi ích cho người sản xuất, người cung ứng và người tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu