01:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá thịt lợn vẫn ở ngưỡng cao, tăng bình quân 68,2%

20:18 13/07/2020

(THPL) - Biến động giá thịt lợn đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ năm trước lên mức 4,19%. Đây là một thách thức lớn cho công tác điều hành kinh tế-xã hội năm 2020.

Theo Thời báo Tài chính VN, nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng đầu năm cho thấy, sau khi tháng 1 tăng theo quy luật hàng năm do trùng vào dịp lễ, tết, các tháng 2, 3, 4, 5 đều giảm, đến tháng 6 tăng 0,66%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ. Theo nhận định của Cục Quản lý giá, đây là tín hiệu tốt cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát vào các tháng cuối năm để thực hiện theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.

Giá thịt lợn vẫn ở ngưỡng cao, tăng bình quân 68,2%. Ảnh minh họa

Cũng phải nhìn nhận rằng, những tháng đầu năm 2020, do diễn biến dịch Covid-19, giá thịt lợn tăng cao, đã gây khó khăn cho công tác điều hành giá. Tuy nhiên, qua các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và sự phối hợp với các bộ, ngành đã góp phần ổn định mặt bằng giá.

Cục Quản lý giá nhận định, giá thịt lợn “làm khó” cho CPI. Dẫn chứng là giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%).

Sau khi giảm liên tục trong 4 tháng liền, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5/2020. Đây là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng 5/2020 và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mặc dù vậy, dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại của năm vẫn tương đối thuận lợi. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới được dự báo vẫn ảm đạm do tình hình dịch bệnh, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá vẫn cần rất thận trọng.

Báo Nhân Dân đưa tin, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “kéo giá thịt lợn xuống chỉ là giải pháp trước mắt. Quan trọng hơn, cần hình thành lại khâu phân phối trong nông nghiệp. Trong thị trường hiện đại, thành công thuộc về người nắm kênh phân phối”.

“Bên cạnh đó, về phía người dân cũng cần đa dạng hóa thực phẩm, chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác như thịt bò, gia cầm, trứng… để giảm dần áp lực cho nguồn cung thịt lợn. Tuy nhiên, thói quen này không phải có thể thay đổi trong ngày một ngày hai” – TS Nguyễn Đức Kiên đánh giá.

Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều chỉ rõ, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2020 và có thể kéo dài sang những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thể đạt mục tiêu 6,8% như kế hoạch dự kiến.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa công bố hai kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP 2,1%, xuất khẩu giảm 3,1%, thặng dư thương mại 1,7 tỷ USD, lạm phát 4,3%. Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP 2,6%, xuất khẩu giảm 1,9%, thặng dư thương mại 2,1 tỷ USD, lạm phát 4,5%. 

Do đó, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng năm 2020.

Tổng cục thống kê kiến nghị, Chính phủ cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi không để phát sinh ổ dịch mới. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn, góp phần kiểm soát lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 dưới 4% là khả thi.

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), có hai nhân tố chính tác động làm tăng CPI những tháng cuối năm.

Đó là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

Bên cạnh đó, cũng có ba yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI: Tình hình dịch bệnh Covid-19; chiến tranh thương mại; xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.

Cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.

Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: Công tác điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng do Covid-19.

“Áp lực làm phát là có nhưng có thể vượt qua, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% nếu các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn. Đặc biệt là tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ” - PGS.TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Phương Nhi (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu