11:46 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GTVT nhiều lần ra 'tối hậu thư', ACV vẫn quyết thu phí xe ra vào dưới 10 phút

Phương Nhi | 15:15 25/05/2021

(THPL) - Hơn 1 năm trôi qua, đến nay Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang cố tình chậm trễ trong việc lắp đặt hệ thống công nghệ tính thời gian tự động kiểm soát thời gian ô tô ra vào các cảng hàng không, bất chấp việc Bộ Giao thông vận tải nhiều lần ra 'tối hậu thư' chỉ đạo ACV sớm triển khai hệ thống để thu phí block time.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thu tiền dịch vụ và đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không: “Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, thống nhất phương án thu, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới; đảm bảo hợp lý, phù hợp theo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng”.

Bộ Giao thông vận tải nhiều lần ra 'tối hậu thư', ACV vẫn quyết thu phí ra vào dưới 10 phút. Ảnh Internet.

Ngày 15/9/2020 Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng cơ bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về phương án thực hiện thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới theo nguyên tắc thu theo Block thời gian, áp dụng giá hợp lý cho Block đầu tiên (dự kiến 10 phút đầu tiên). 

Thế nhưng, đến nay ACV vẫn chưa hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống block time để thu phí theo phương án xe vào sân bay quá 10 phút mới phải trả tiền phí. 

Liên quan đến việc thu phí vào sân bay, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần yêu cầu ACV đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương rà soát, phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian ôtô ra vào các cảng do đơn vị này quản lý, hoàn tất và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31/3/2020 cho tất cả cảng hàng không.

Đáng chú ý, tại các cảng hàng không đã lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian ô tô ra vào cảng thì không thu tiền đối với xe ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến là 10 phút. 

Tuy nhiên, đến nay ACV vẫn chưa thực hiện, với nhiều lý do, dẫn đến sự chậm trễ trong việc đưa hệ thống này vào khai thác. 

Theo báo cáo của ACV, hiện nay ACV đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư hệ thống kiểm soát xe ra vào cảng hàng không và đang hoàn tất xây dựng phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga theo thời gian cho từng cảng hàng không tại 21 cảng hàng không do ACV quản lý, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 02/2021, làm cơ sở để Bộ thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề chậm trễ trong việc triển khai theo tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải đề ra là do đơn vị quản lý khai thác cảng là không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng phải có một mốc thời gian quyết định triển khai, không du di cho doanh nghiệp chậm trễ để thu phí gây bức xúc cho khách hàng.

Anh Trần Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người thường xuyên chở khách ra vào sân bay cho biết: “Tôi làm nghề tài xế được vài năm rồi, nhưng lần nào, khách cũng thắc mắc là tại sao mỗi khi trả khách ở sân bay, ngoài tiền cước xe, chúng tôi phải trả thêm 10.000 - 15.000 đ phí ra cổng sân bay. Chúng tôi mong muốn phía ACV triển khai sớm theo quy định, chứ như thế này phí chồng phí thì khách hàng rất là thiệt thòi.”

Không chỉ anh Nam mà theo chị Hoa, khách hàng hay đi xe taxi công nghệ bức xúc, "mỗi lần đi ra để đón xe công nghệ về là rất khó khăn, mất thời gian. Hơn 1 năm nay phía ACV chưa thực hiện triển khai tính theo thời gian xe nào đỗ lâu thì tính tiền, còn dưới 10 phút thì miễn phí như yêu cầu trước đó của Bộ Giao thông vận tải.

Hơn nữa, khi chúng tôi mua vé máy bay thì đã bao gồm phí dịch vụ cảng mà hãng bay đã thu hộ, đồng nghĩa trong phạm vi sân bay khách đã trả tiền đầy đủ. Cứ nghĩ rằng, việc thu thêm phí ra vào sân bay thì dịch vụ sẽ tốt hơn nhưng đổi lại là sự bất tiện, dịch vụ thì không tương xứng".

Được biết, ACV hiện đang quản lý 22 sân bay trên cả nước. 

Theo báo cáo kiểm toán năm 2020 ACV vừa công bố, DN này có 33.683 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng, chỉ riêng lãi tiền gửi trong năm 2020 từ số tiền này, đã là 2.147 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, ACV tiếp tục ghi nhận lãi ròng hơn 800 tỷ đồng, trong đó, đóng góp nhiều nhất là tiền lãi gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá. Tổng tài sản hiện tại của ACV là 56,300 tỷ đồng, như vậy khoản tiền gửi tiết kiệm nói trên chiếm hơn 50% tổng tài sản của ACV.

Mặc dù ACV có số tiền lớn gửi ngân hàng, doanh thu tài chính hàng năm đến từ lãi tiền gửi là chủ yếu nhưng hai sân bay lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài xuống cấp, các đường băng, đường lăn xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay nhà nước lại không dùng số tiền nhàn rỗi này vào việc sửa chữa được do ACV đã được cổ phần hoá và phần vốn để cải tạo, nâng cấp sân bay phải từ ngân sách nhà nước.

Phương Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu