10:12 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lợi nhuận sau thuế của ACV đạt gần 5.000 tỷ đồng sau 3 quý

10:19 07/11/2018

(THPL) - Kết thúc 3 quý năm 2018, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của ACV đạt 4.953 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV cho thấy những kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp này với doanh thu tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng, TTXVN đưa tin.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III của doanh nghiệp đạt 3.993 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 30/9 đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tương ứng, đạt 6.051 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, từ 893 tỷ đồng năm 2017 lên đến 1.175 tỷ đồng năm nay. Phần lãi trong công ty liên kết đạt 257 tỷ đồng, tăng 43%.

Kết thúc 3 quý năm 2018, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của ACV đạt 4.953 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017.

acv (1)
ACV lãi đậm nhờ quyết định tăng giá dịch vụ. Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản ACV đạt 53.554 tỷ đồng. Trong đó tiền và tương đương tiền là 1.163 tỷ đồng, tiền gửi 23.564 tỷ đồng. Nợ phải trả ghi nhận 23.607 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn 8.768 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.837 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, ACV vướng nhiều lùm xùm xung quanh việc Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm với quy mô nghìn tỷ đồng. Đồng thời, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng bị đặt nghi vấn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn có kết quả kinh doanh hết sức khả quan.

Giải trình về doanh thu thuần quý III tăng đột biến, lãnh đạo ACV cho hay, do sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên, cùng với đó là đơn giá dịch vụ hàng không được điều chỉnh tăng theo Quyết định số 2345/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo báo VnEconomy, trước đó, hồi tháng 10/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký quyết định ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam; theo đó, một loạt dịch vụ hàng không tăng giá theo.

Cụ thể, loạt phí đầu tiên tăng theo quyết định trên là phí cất/hạ cánh máy bay theo từng khung giờ. Giờ cao điểm phí cao, giờ thấp điểm phí thấp. Nhờ quyết định này mà doanh thu dịch vụ cất hạ cánh của ACV tăng từ 1.458 tỷ đồng 3 quý đầu năm 2017 lên đến 1.779 tỷ đồng 3 quý năm nay.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không đối với hành khách quốc tế tăng lên 2 USD/hành khách; đối với hành khách, hành lý quốc nội tăng dần từ 11.818 đồng/hành khách lên đến 18.181 đồng vào thời điểm 1/4/2018.

Đối với giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không đối với chuyến bay quốc nội được điều chỉnh tăng theo giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017), mức thu áp dụng cho cảng hàng không nhóm A là 75.000 đồng/khách, nhóm B là 70.000 đồng/khách và nhóm C giữ nguyên như hiện nay là 60.000 đồng/khách. Như vậy, tại các CHK nhóm A, B, mức giá này đã tăng khoảng 7%.

Trong giai đoạn 2 (từ 1/1/2018 đến hết 31/3/2018), mức giá áp dụng tương ứng cho các cảng hàng không nhóm A, B, C là 80.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách. Giai đoạn 3 (từ 1/4/2018 đến hết 30/6/2018), khách bay nội địa tại các cảng hàng không nhóm A, B, C sẽ phải nộp tương ứng 85.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách. Giai đoạn cuối cùng, mức giá cao nhất áp tại cảng hàng không nhóm A là 100.000 đồng/khách, nhóm B là 80.000 đồng/khách và nhóm C là 60.000 đồng/khách.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, với phương án điều chỉnh này, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm. Đối với các hãng hàng không, mức phí dịch vụ mới này sẽ khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng 87,75 tỷ đồng; Vietjet Air là 55,41 tỷ đồng; Jetstar Pacific là 18,38 tỷ đồng. Tính tổng cộng, chi phí hành khách phải chi trả thêm cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu