04:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bất động sản logistics vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài

Phương Anh (tổng hợp) | 20:52 12/08/2021

(THPL) – Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng phân khúc logistics vẫn khẳng định được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương giảm hơn 1,6 tỷ USD).

Nguyên nhân chính khiến lượng vốn ngoại giảm mạnh là do trong 7 tháng đầu năm 2021 không có dự án mới cũng như các thương vụ đầu tư vốn “khủng” như các năm trước. Điều này cũng đã được dự báo trước, khi dịch Covid-19 tái bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh và rộng hơn và Việt Nam phải duy trì lệnh “đóng cửa” tạm thời nhiều tỉnh, thành phố để kiểm soát dịch.

Trên thực tế, không chỉ số lượng dự án giảm, vốn đăng ký cấp mới tăng lên, dòng vốn ngoại vào bất động sản còn chứng kiến sự thanh lọc đến từ kênh góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt hơn 300 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, bất chấp số lượt góp vốn, mua cổ phần giảm gần 2/3.

Thời gian gần đây, điểm đến của dòng vốn nước ngoài chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, đang nắm giữ hoặc có chiến lược theo đuổi các phân khúc có tiềm năng tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Và logistics nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhiều vốn FDI nhất, khi chiếm gần một nửa trong số hơn 30 dự án bất động sản được cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đạt gần 538 triệu USD, bằng 46,78% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong kỳ. Trong đó, các nhà đầu tư từ Singapore là “tay chơi chính” với 7 dự án logistics.

Bất động sản logistics vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Theo trang Kinh tế BĐS, đơn cử như dự án bất động sản lớn nhất trong 7 tháng qua do Amigos An Phu Holding Pte. Ltd (Singapore) đầu tư, tổng vốn lên tới 185 triệu USD cũng mang bóng dáng của logistics.

Chuyển động của nhà phát triển bất động sản công nghiệp Singapore SEA Logistics Partners (SLP) tại thị trường Việt Nam cũng gây chú ý. Doanh nghiệp này cùng đối tác đang xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics trong vòng 3 – 4 năm tới. 

Hồi tháng 6, Sea Fund I Investment 5 Pte. Ltd đã được cấp phép dự án logistics SLP Park Xuyên Á, trị giá 54 triệu USD để xây dựng và cho thuê nhà xưởng, nhà kho, làm dịch vụ kho bãi tại Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa (Long An). Ngoài SLP Park Xuyên Á, Long An còn đón thêm dự án gần 30 triệu USD do DH Asia Investment Peoney Pte. 

Một nhà đầu tư Singapore khác là Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd đã đầu tư Trung tâm logistics ECPVN Bình Dương 2, trị giá 34,4 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, TP. Dĩ An. Trước đó, nhà đầu tư này đã được cấp phép đầu tư một dự án tương tự là Trung tâm Logistics ECPVN Sài Gòn 1, với tổng vốn đầu tư 34,1 triệu USD.

Báo Đầu tư đưa tin, trong 7 tháng qua, TP.HCM cũng đón thêm dự án logistics lớn khác từ nhà đầu tư BW Industrial (Hà Lan). Ông lón bất động sản công nghiệp này quyết định đầu tư dự án 80,6 triệu USD vào Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung để xây dựng kho bãi cho thuê và cung cấp dịch vụ logistics trên quy mô 146.387 m2 tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Ở kênh góp vốn, mua cổ phần, BP – Vietnam Development Pte. Ltd, đã góp vốn hơn 3,6 triệu USD vào Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp KTG Bắc Ninh – đơn vị chuyên phát triển kho bãi ở khu vực phía Bắc. 

Trao đổi với báo Đầu tư về thị trường bất động sản, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao Bộ phận bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư vào Việt Nam. Tình hình dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ xây dựng do việc đi lại, nhân công, vận chuyển vật liệu bị hạn chế, song về dài hạn, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng dự án đã cam kết.

Theo các chuyên gia, trong nửa cuối năm 2021 và dài hạn, triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn rất khả quan, với nhu cầu lớn từ doanh nghiệp trong nước mở rộng và các nhà đầu tư bên ngoài đầu tư thêm.

“Các lĩnh vực tiếp tục giữ đà tăng trưởng là điện tử, kho vận, linh kiện xe hơi, bao bì, đồ gỗ và thiết bị y tế. Đối với kho xưởng xây sẵn, nguồn cầu từ lĩnh vực kho vận, thương mại điện tử và bán lẻ sẽ giữ nhịp phát triển cho sản phẩm này”, ông Hiếu nhận định.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu