12:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Báo động tình trạng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam

Minh Đức (tổng hợp) | 10:25 07/07/2022

(THPL) - Sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ và được thể hiện ở ba tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở cả hai giới, sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao.

Trước đó, trong 2 ngày 5-6/7, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường

Tại hội nghị, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho hay mức tiêu thụ rượu bia đang tăng nhanh tại Việt Nam. Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít).

Bình quân 1 người Việt Nam (trên 15 tuổi) uống khoảng 170 lít bia/năm. Tỷ lệ sử dụng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Đã có tới 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan đến rượu bia.

Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

Báo động tình trạng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo báo VTV News, trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia.

Theo Bộ Y tế, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.

Theo TTXVN đưa tin, tại hội nghị, nhiều ý kiến từ chuyên gia của WHO, Bộ Y tế và Tổ chức HealthBridge cho thấy kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế gới cho thấy cần phải tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua từ đó giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đem lại nhiều lợi ích cho y tế công cộng, kinh tế và xã hội. Những lợi ích này bao gồm: Làm giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu bia, giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách hai bên (Nhà nước và người dân) cùng hưởng lợi.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để có thể giảm tiêu thụ rượu bia hoặc ít nhất giữ sức mua rượu bia không gia tăng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu