13:11 ngày 28/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc: Xây dựng quan hệ hợp tác, trách nhiệm và bền vững

15:48 24/10/2024

(THPL) - Ngày 24/10/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn thường niên “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024”.

Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024" trong khuôn khổ hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức lần thứ 2 là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy và tăng cường hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ phát triển giữa báo chí và doanh nghiệp. Diễn đàn hướng đến mục tiêu lớn nhất là đóng góp tối đa vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của đất nước...

Đây cũng là một hoạt động thiết thực góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW (ngày 101/10/2023) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại Diễn đàn thường niên “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024”.
Tại Diễn đàn thường niên “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024”.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Cách đây hơn 01 năm, ngày 25/7/2023, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI được tiến hành, ghi dấu mốc quan trọng mới cho sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí - truyền thông, hướng đến cùng góp phần thực hiện thành công mục tiêu lớn: Đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI
Ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

“ Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm nay tập trung vào chủ đề chính là “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí”, một yếu tố quan trọng để phát huy vai trò của báo chí trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nói.

Xây dựng quan hệ hợp tác, trách nhiệm và bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Lê Quốc Minh: Mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó.

Ông Lê Quốc Minh đánh giá, trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại. Nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, lan toả thông tin, tuy nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí. Từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong một tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.

Trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và doanh nghiệp không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của 1 bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp, dẫn đến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giản tính hấp dẫn và hiệu quả. Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với doanh nghiệp, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp có nguy cơ lệch hướng và phức tạp.

Theo Thứ trưởng Lâm, nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hai là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng. Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được.

Ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.

Quang cảnh tại Diễn đàn.
Quang cảnh tại Diễn đàn.

Đồng thời, ông Lâm cho biết, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay để có các sản phẩm báo chí chất lượng cao cần có sự đầu tư nghiêm túc trên nhiều khía cạnh như công nghệ, phương tiện, hình thức thể hiện… gây áp lực lên nhiều cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.

Nâng cao năng lực báo chí kinh tế

Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định tầm quan trọng của báo chí đối với sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp.

“Báo chí còn đóng vai trò như một cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác, góp phần thúc đẩy sự vận động các nguồn lực quan trọng như vốn, lao động và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng”, theo ông PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, báo chí cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực nếu đưa tin không chính xác hoặc một chiều. Những thông tin sai lệch có thể làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, gây mất niềm tin từ phía khách hàng, đối tác và dẫn đến sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Từ những vấn đề nêu trên, các ý kiến cho rằng, tính trung thực và khách quan trong việc đưa tin cần được đề cao. Nhà báo cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin từ nhiều nguồn trước khi công bố. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao trình độ chuyên môn của các phóng viên, đảm bảo họ hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường. Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện, và luôn cho doanh nghiệp cơ hội phản hồi trước khi kết luận.

Các ý kiến cũng cho rằng, xây dựng 1 bộ chỉ tiêu đánh giá xếp hạng báo chí liên quan đến kinh tế và doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

  

Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia dự diễn đàn.
Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia dự diễn đàn.
Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí – kinh tế, báo chí – doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để báo chí kinh tế có thể tham khảo, làm chỗ dựa và đề ra chiến lược hành động trong tương lai, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí, đồng thời song hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Nhà nước nói chung phát triển bền vững. 

Tại diễn đàn, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề cập 4 thách thức trong bối cảnh kinh tế số và báo chí số mà các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về kinh tế đối mặt. 

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam .
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam .

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực báo chí, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất 4 giải pháp bao gồm: đào tạo bài bản, mỗi cơ quan báo chí cần nhà báo kinh tế vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt; hợp tác quốc tế những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam đều mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế, kết nối các nhà báo kinh tế với doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.

Hàm ý cho Việt Nam, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng để tăng năng lực cho những người làm báo kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng, có sự phân khúc và phối hợp rõ ràng ở khối các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác báo chí - doanh nghiệp; hợp tác quốc tế; xây dựng mạng lưới các cơ quan báo chí kinh tế và các nhà báo, nhà truyền thông; thúc đẩy giải pháp số trong phát triển năng lực của báo chí kinh tế; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Khai trương giao diện mới của Trang thông tin điện tử VCCI
Khai trương giao diện mới của Trang thông tin điện tử VCCI.

Cũng tại diễn đàn, Ban Tổ chức đã vinh danh các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Đồng thời, ra mắt giao diện mới của trang thông tin điện tử VCCI.

Tiến Vinh (Ảnh: Mai Bình)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu