08:42 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quýt hồng Lai Vung chuẩn GlobalGAP sẵn sàng phục vụ Tết

10:20 21/12/2017

(THPL) - Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết nên các vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhộn nhịp hẳn lên.

Theo báo Nông nghiệp, mặc dù thời tiết bất lợi nhưng theo đánh giá của nhiều người, mùa quýt năm nay là vụ thành công nhất của người dân ở Lai Vung. Chẳng hạn như ở xã Long Hậu (một xã có diện tích quýt hồng lớn nhất so với các xã khác trong huyện Lai Vung) có 449ha cho trái, năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha.

Anh Trần Việt Thắng, một người dân trồng quýt hồng lâu năm ở Long Hậu với diện tích gần 1ha, cho biết: Năng suất năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước, trừ các khoản chi phí vật tư, với khoảng 7 công quýt chắc chắn cho lãi hơn 150 triệu đồng. 

08-25-43_nh_2_-_quyt_hong
Quýt hồng trong trong dịp Tết hứa hẹn một vụ mùa bội thu và được giá. (Ảnh: Nông nghiệp)

Cũng ở xã Long Hậu này, lần đầu tiên thành lập được Tổ trồng quýt hồng theo hướng GlobalGAP phục vụ thị trường tết năm nay, có 10 thành viên với tổng diện tích 3,1ha. Ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ đều áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp và quy trình đã đề ra, theo từng giai đoạn phát triển của cây, vì vậy khi thu hoạch, năng suất quýt khá cao.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng, thành viên của tổ cho biết: Sản xuất theo hướng GlobalGAP, một năm giảm được 6 lần phun xịt thuốc. Trước đây, mỗi năm phun xịt 26 lần thì nay chỉ còn 20 lần, chi phí đầu tư nhờ đó cũng giảm đáng kể.

Theo chị Hồng, sản xuất quýt theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt lần cuối cùng đến khi thu hoạch… Nhà vườn dễ dàng trong hạch toán giá thành và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất cho vụ mùa năm kế tiếp.

Vụ quýt hồng năm qua, Tổ trồng quýt hồng GlobalGAP thu được sản lượng gần 200 tấn quýt, trung bình mỗi ha đạt trên 60 tấn, cao gần gấp đôi so với sản lượng quýt hồng trung bình của cả huyện. Với cách mới, ngoài thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, các thành viên trong tổ GlobalGAP còn ý thức được vấn đề an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, an toàn môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng.

Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 22.000 – 30.000 đồng/kg, với giá này giúp nhiều gia đình thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, hiện nay huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và sản xuất theo các quy trình an toàn (Viet Gap, GlobalGap), bởi đây là điều kiện tất yếu để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời xây dựng được HTX quýt hồng Lai Vung với mục tiêu là phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại sản xuất một cách bền vững trong thời gian tới.

Theo bà con nông dân trồng quýt, năm nay nhiều chủ vườn còn nghiên cứu đưa cây quýt vào chậu làm kiểng quýt hồng. Cách làm này được thị trường rất ưa chuộng và bán được giá. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng nhà sơ chế quýt. Đây là loại nhà tiền chế, phục vụ khâu vệ sinh quýt sau khi thu hoạch, sau đó được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo báo Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với người trồng quýt hồng ở Lai Vung hiện nay là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, quýt hồng chỉ bán vào dịp Tết nên người dân không trồng rải vụ và chủ yếu tiêu thụ ở trong nước. 

Bên cạnh đó, nhiều vườn quýt già cỗi, năng suất, chất lượng đều giảm. Ông Phạm Văn Danh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung chia sẻ: "Vườn quýt nhà tôi rộng hơn 4.000 m2, đến nay gia đình tôi đã khai thác được 24 năm. So với những năm đầu, giờ năng suất của cây giảm khoảng 30%, quả nhỏ, mầu không đẹp nên giá bán không cao. Hiện nay, từ ba đến bốn năm chúng tôi lại phải mua đất mặt ruộng về bồi đắp, cải tạo vườn cây một lần, chi phí đầu vào rất lớn. Tốn kém nhưng giờ tìm mua đất rất khó, có khi phải đợi cả tháng mới mua được xe đất mặt ruộng".

Trao đổi về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam Võ Hữu Thoại cho rằng: Quýt hồng là loại cây đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa nhưng vẫn cho giá trị kinh tế cao, do đó các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp tập trung nghiên cứu để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, quýt hồng có nhược điểm nhiều hạt, chưa đạt độ ngọt như mong muốn, vỏ mỏng nên phải nghiên cứu tìm ra các giống mới không hạt, ngọt, tăng độ dày cho vỏ. Có cải thiện được chất lượng thì mới tăng được khả năng cạnh tranh.

Trước thực trạng sản xuất hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Ðồng Tháp đã có kế hoạch xây dựng vườn quýt theo mô hình kiểu mẫu với kỳ vọng tạo ra được mô hình đạt chuẩn về năng suất, chất lượng. Từ đó có cơ sở nhân rộng ra toàn vùng. Mục tiêu đã có, nhưng để quýt hồng Lai Vung giữ vững được vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, địa phương cần phải quyết tâm hơn nữa và có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch cũng như tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Song song với quá trình thực hiện mô hình phải từng bước xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định.

Hiện toàn huyện Lai Vung có trên 2.700 ha trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 1.100 ha quýt hồng (loại trái cây đặc sản), gần 1.000 ha quýt đường và trên 600 ha cam các loại. Riêng cây quýt hồng cho trái vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm mang lại thu nhập cao, các nhà vườn trong huyện đều khá và giàu lên từ cây quýt hồng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu