05:24 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ông Võ Thành Đăng: Một thương hiệu khỏe hội tụ tầm nhìn, hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp

08:42 28/03/2019

(THPL) - Xây dựng thương hiệu thành công là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đâu là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt, làm cách nào để khẳng định vị thế của thương hiệu của mình trên thị trường vẫn là 1 câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Danny Võ - Võ Thành Đăng là một diễn giả truyền cảm hứng và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ xây dựng & quản lý thương hiệu, phát triển con người, thiết kế & sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp và các dự án xã hội cũng như các hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên. Với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm từ Singapore và New Zealand, ông Võ Thành Đăng đã huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam.

Ông Danny Võ - Võ Thành Đăng là một diễn giả truyền cảm hứng và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ xây dựng & quản lý thương hiệu, phát triển con người, thiết kế & sáng tạo.

Trước thềm "Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ I" do Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật tổ chức sắp tới, diễn giả Danny Võ đã có những chia sẻ tâm huyết về xây dựng thương hiệu và các yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt.

PV: Thưa ông, câu chuyện xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt không còn quá mới mẻ, song điều kiện tiên quyết nhất hiện nay chính là làm thế nào để thương hiệu Việt “đủ khỏe” thích ứng với được phân khúc thị trường mà doanh nghiệp xác định. Do vậy, với sự am hiểu của mình về câu chuyện thương hiệu đã đang và sẽ xảy ra, ông đánh giá rằng, thương hiệu hiện nay cần thị trường, hay thị trường cần những thương hiệu, đây là xác định đầu tiên để doanh nghiệp Việt có được những chiến lược phù hợp của mình?

Ông Danny Võ: Về vấn đề thương hiệu hay xây dựng thương hiệu thì từ năm 2004, tôi đã cùng các chuyên gia từ Singapore và Malaysia trở về Việt Nam triển khai. Lúc đó hầu hết các công ty, thậm chí các tập đoàn lớn ở Việt Nam còn có những khái niệm rất mơ hồ về việc xây dựng thương hiệu hoặc làm sao để xây dựng  thương hiệu đúng cách, bài bản và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam .

Điển hình, một số chủ thương hiệu còn có khái niệm xây dựng thương hiệu hay từ dân dã là làm thương hiệu thì chỉ cần có LOGO hoặc 1 câu Slogan … như vậy đã là làm thương hiệu.

Vậy thì để xây dựng 1 thương hiệu theo tôi đủ ‘khỏe’ thì có nghĩa là thương hiệu đó được nhiều người biết tới và tạo ra được sức ảnh hưởng, đem lại được lợi nhuận, doanh thu đáng kể cho chính thương hiệu, doanh nghiệp đó.

Tôi thường chia sẻ mô hình 3 chân - 3 yếu tố này là tầm chiến chiến lược của công ty, doanh nghiệp, thương hiệu đó. Chính người chủ thương hiệu phải xác định được họ mong muốn gì ở thương hiệu của họ trong 5-10 năm tới.

Yếu tố thứ 2 đó là hình ảnh thương hiệu phải thể hiện rõ ràng, nhất quán và được quảng bá ra bên ngoài. Các cụ xưa có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, theo tôi trong thời đại 4.0 thì theo tôi cần phải “tốt gỗ, tốt cả nước sơn” đó là đầu tiên phải tốt từ giá trị cốt lõi bên trong, từ chiến lược trước thì sau đó chúng ta mới xây dựng hình ảnh bên ngoài. Bởi cho dù những sản phẩm của chúng ta ở những quầy kệ ngoài siêu thị có ngon, tốt mà hình thức bên ngoài chưa bắt mắt để người ta chạm vào nó, lựa chọn nó thì cũng không thể được. Trước tiên phải thu hút khách hàng thử sản phẩm của chúng ta, sau đó mang lại trải nghiệm tuyệt vời với sản phẩm và kéo người tiêu dùng quay sử dụng trở lại với sản phẩm đó.

Yếu tố cuối cùng ít được các doanh nghiệp đề cập tới đó là khách hàng nội bộ, là nhân viên của chúng ta. Đó là văn hóa doanh nghiệp, nơi mọi người cùng nhìn nhận, cùng hướng về 1 vấn đề. Bởi đôi khi lãnh đạo hiểu đúng về 1 vấn đề nhưng nhân viên không nắm bắt được  thì vô hình chung tạo ra những khoảng thiếu sót trong truyền thông nội bộ.

Vậy thì, để 1 thương hiệu đủ khỏe, đối với tôi phải hội tụ đủ 3 yếu tố: tầm nhìn – hình ảnh và văn hóa của doanh nghiệp.

PV: Có chuyên gia đánh giá, xu thế trong tương lai là sẽ tích hợp các liên minh thương hiệu, theo ông vấn đề này sẽ như thế nào hay ông có những đánh giá của riêng mình về xu thế của thương hiệu? Với xu thế như vậy, doanh nghiệp Việt cần có những hành động như thế nào?

Ông Danny Võ: Thực ra mỗi 1 thương hiệu đặc biệt họ tạo những sự khác biệt, trên 1 thị trường phân khúc của họ chứ không thể đơn độc 1 mình. Vì khi đó tất cả các nguồn lực về chi phí, về nhân công, quảng cáo sẽ tăng cao nên việc cùng hợp tác đem lại hiệu quả rất cao.

Tôi lấy ví dụ đơn giản như mới đây tôi có tham dự buổi lễ ra mắt 1 thương hiệu xe ép rác của công ty VWS nhập từ Mỹ về. Khi đó có rất nhiều các đơn vị từ thương hiệu khác cùng tham gia, họ là các đơn vị phụ trợ để sản xuất ra chiếc xe này. Như đơn vị về IT – chuyên xử lý hệ thống vận hành của chiếc xe, đơn vị chuyên xử lý rác trong quá trình đi… như vậy có 4-5 thương hiệu cùng xuất hiện 1 lúc  trong buổi giới thiệu 1 xe rác. Vậy thì đây là 1 sự liên minh thương hiệu tuyệt vời, chỉ 1 sự kiện mà chúng ra đã cùng tạo ra sự bổ trợ nhau. Đây là 1 sự liên minh hết sức khôn khéo trong thời buổi hiện đại ngày nay giúp giảm nhiều chi phí và đem đến sự quảng bá tốt hơn. Chính vì vậy, tôi khẳng định việc liên minh,liên kết giữa các doanh nghiệp, thương hiệu là 1 xu hướng, xu thế của việc thương hiệu.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cần phải mở lòng hơn nữa vì người Việt chúng ta có 1 yếu điểm đó là chúng ta tự mình làm hết. Một anh giám đốc, anh có thể rất giỏi về kinh tế và anh nghĩ anh làm được kinh tế thì IT anh sẽ làm được, thiết kế anh cũng làm được …Đâu đó cái tôi của chúng ta rất lớn, chúng ta cần phải buông bỏ bớt để có thể cùng ngồi xuống, cùng các thương hiệu khác kết hợp xây dựng.

Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, trên thị trường không có những đối thủ mà tất cả đều là đối tác của chúng ta. Vấn đề ở chỗ là chúng ta làm sao để tận dụng được thế mạnh của họ để bù trừ và làm tốt hơn cái điểm yếu của chính mình để trở thành những liên minh hoàn hảo. Tựu chung lại, có xây dựng thương hiệu, có tạo dựng một đế chế riêng của mình thì chúng ra phải tạo được lợi nhuận, nguồn thu và tạo  được cái giá trị, di sản để lại cho chính cuộc sống này thì mới gọi là 1 sự thành công về mặt thương hiệu.

PV: Ở mỗi phân khúc thị trường, thương hiệu ngoại với sự chuyên nghiệp, hiện đại và “chịu” chăm sóc khách hàng đang chi phối tâm lý của người tiêu dùng? Vậy điều kiện cần và đủ để thương hiệu Việt có được thị trường, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng hiện nay?

Ông Danny Võ: Để duy trì và phát triển thương hiệu bền vững chúng ta cần có 4 chữ C, đó là Clear -  rõ ràng, một thương hiệu để tiếp cận với người khác cần làm sao để khách hàng dễ hiểu nhất. Doanh nghiệp Việt chúng ta thường có xu hướng phức tạp hóa các vấn đề lên và đôi khi nhìn 1 cái logo, 1 cái tên chúng ta không biết công ty làm về lĩnh vực gì. Tôi thường nói với các học viên của tôi rằng, đừng đánh đố khách hàng, hãy làm cho họ hiểu thương hiệu của mình một cách đơn giản nhất bởi vì chỉ cần 1 tích tắc suy nghĩ thì đâu đó chúng ta đã mất đi cơ hội để tiếp cận với khách hàng đó.

Chữ C thứ 2 đó là Consisten, đó là sự nhất quán trong xây dựng và duy trì một thương hiệu. Khi tiếp thị ra bên ngoài thì chúng ta có rất nhiều kênh giao tiếp và kênh thông tin khác nhau, nhưng làm sao để những kênh thông tin đó truyền đạt một thông điệp, một định hướng nhất định thì chúng ta cần khẳng định một thông điệp viết sẵn và chúng ta phải truyền đạt nhất quán. Ví dụ khi nói đến sứ mệnh, vẫn đề cốt lõi của công ty là gì thì cũng phải biết đến điều này. Sự nhất quán này được thực thi từ cấp cao nhất cho đến những nhân viên bên dưới và chuyển tải ra bên ngoài thị trường.

Chữ C thứ 3 là Convincion -đó là sự thuyết phục, chữ C cuối cùng đó là Class- sự ưu việt.

PV: Vậy trong mối quan hệ trường khi xây dựng thương hiệu thì thị trường cần thương hiệu hay  thương hiệu cần thị trường thưa ông?

Ông Danny Võ: Thực ra đây là mối quan hệ qua lại. Thị trường cần rất nhiều những thương hiệu khỏe, thương hiệu đẹp để thuyết phục khách hàng dễ hơn nhưng bên cạnh đó thì những thương hiệu này cũng cần có 1 sân chơi, có 1 thị trường, đặc biệt là những thị trường ở nước ngoài để chúng ta có thể thử sức, cọ sát, cạnh tranh để tạo ra những dòng thương hiệu Made in Việt Nam một cách đậm nét.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Tân – Tuấn Việt (Thực hiện)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu