19:11 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người phụ nữ thầm lặng đưa tinh dầu hồi xứ Lạng “vượt biên”

23:48 19/08/2017

(THPL) - Một nữ doanh nhân đầy nghị lực đã gây dựng cơ sở chế biến tinh dầu hồi, quế…rồi xuất khẩu 80% sang Ấn Độ và đang hướng thêm vào thị trường trong nước, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động - Đó là chị Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông sản Lạng Sơn (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn).

Đến Lạng Sơn, người ta không thể không nhắc đến đặc sản tinh dầu hồi được chiết xuất từ hoa hồi khô, cho ra những giọt tinh dầu hồi nguyên chất nhất. Tinh dầu hồi Lạng Sơn có nhiều công dụng như giảm đau, làm ấm, làm sạch không khí, cầm máu, hỗ trợ tiêu hóa, gia vị của nhiều món ăn truyền thống… Cây hồi không chỉ có ở Lạng Sơn mà còn được trồng ở một số tỉnh khác ở nước ta như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh… và một số địa phương của Trung Quốc. Nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi về đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có độc tố.

Đến thăm cơ sở chế biến của Công ty vào một ngày giữa tháng 8, chúng tôi chứng kiến công việc tất bật khi một mình chị Giang đang miệt mài cùng những công nhân chuẩn bị cho sự kiện giới thiệu sản phẩm của đơn vị tại một hội chợ. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất hoa hồi xứ Lạng, gắn bó với cây hồi từ lúc còn thơ bé, hơn ai hết, chị Phạm Thị Giang thực sự thấu hiểu về cây hồi và công dụng của nó đối với cuộc sống của con người. Xuất phát điểm từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyên thu mua sản phẩm hoa hồi của người dân địa phương bán cho các doanh nghiệp thương mại trong nước và các tỉnh lân cận, nhiều năm qua, chị Giang lúc nào cũng mang niềm tâm tư đau đáu là tìm ra hướng đi cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn ra thị trường thế giới.

Chị Phạm Thị Giang (áo xanh) đang trao đổi công việc với người lao động

Chị Giang chia sẻ, từ năm 2011, khi mảnh đất hơn 7.000 m2 tại xã Nhân Lý còn là đồng ruộng, chị đứng ra vay vốn bạn bè, ngân hàng để thu gom lại rồi phát triển thành cơ sở chế biến tinh dầu hồi, quế. Trải qua hơn 6 năm, một mình chị mày mò đêm hôm nghĩ ra tới 30 sản phẩm chế biến từ tinh dầu hồi, quế. Sau đó, chị tự mình xúc tiến mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.

Công ty hiện có 30 mẫu sản phẩm bán trên thị trường: nào là gối đầu bằng lá hồi, tinh dầu hồi để ô tô, trong nhà, đèn khuếch tán tinh dầu hồi… mỗi sản phẩm có giá trị từ 50 ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Năm 2012 những công hàng hoa hồi xứ Lạng đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây thực sự là tín hiệu khả quan không chỉ có giá trị kinh tế mà mang đến tầm nhìn chiến lược cho những doanh nghiệp hoa hồi địa phương nói riêng và chiến lược phát triển cây kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Bản xác lập kỷ lục đặc sản tinh dầu hồi tỉnh Lạng Sơn

Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm hồi của công ty không chỉ trong nước mà còn vươn rộng ra xuất khẩu ở một số thị trường khác như: Ấn Độ (chiếm 80%), Malayxia, Inđônêxia, Anh, Pháp…và tiến tới là thị trường Nga và một số thị trường khác. Công ty hiện có 30 công nhân và 2 cơ sở sản xuất, doanh thu đạt khoảng 40-50 tỷ đồng/năm.

Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn hiện là công ty duy nhất của Lạng Sơn thu mua hồi tận gốc, chọn lọc, phân loại, tạo ra các sản phẩm hồi cánh và tinh dầu hồi nguyên chất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ai đi qua huyện Chi Lăng sẽ thấy những gian hàng giới thiệu sản phẩm tinh dầu hồi Lạng Sơn

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật chị cho biết: “Khó khăn nhất của Công ty vẫn làm vốn và thị trường, vì thị trường tinh dầu hồi hiện nay xuất hiện những sản phẩm đến từ Trung Quốc, có mẫu mã rất đẹp lại rẻ, nhưng chất lượng không bằng, cạnh tranh rất mạnh với sản phẩm của công ty. Thêm nữa, các đối tác, khách hàng nước ngoài kỹ tính muốn xem quy trình sản xuất, chế biến tinh đầu hồi… Tuy nhiên, sau khi họ xem xong quy trình của đơn vị làm còn nhiều công đoạn thủ công, dây chuyền chế biến chưa đạt, phần lớn khách đều lắc đầu…”.

Mặc dù đã có định hướng là tìm thị trường xuất khẩu cho hoa hồi xứ Lạng, song Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông sản Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn rào cản như: vốn đầu tư hạn chế, trình độ ngoại ngữ yếu, thiếu kiến thức về thị trường quốc tế và các cộng sự tìm kiếm thị trường nước ngoài...

Vừa qua, được huyện Chi Lăng hỗ trợ, Công ty của chị Giang đã đầu tư xây dựng cơ sở, gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng ở trung tâm huyện Chi Lăng, để vừa tổ chức sản xuất, vừa giới thiệu sản phẩm tinh dầu hồi, đặc sản nông sản địa phương.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, hành trình tìm đường mang thương hiệu hoa hồi xứ Lạng ra thị trường thế giới của nữ doanh nhân Phạm Thị Giang vẫn còn đầy gian truân phía trước.

Hiếu Trung

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu