02:57 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành nông nghiệp về đích ngoạn mục

14:44 29/12/2017

(THPL) - Năm 2017 khép lại, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai và thị trường đầu ra nhưng ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 2,94%, xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản toàn ngành đạt con số 36,37 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Vượt khó đi lên

Theo báo Công thương, năm 2017 được ghi nhận là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng. Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa ra giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.

“Chưa bao giờ ngành nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ. Trong năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định.

xuat-khau-nong-lam-san-hinh-anhmwmj_TDGW
Ngành nông nghiệp về đích ngoạn mục. (Ảnh minh họa)

Năm 2017 toàn ngành NN&PTNT đã vượt khó để đi lên với những thành tựu rất đáng trân trọng: Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, vượt kế hoạch được giao là 31%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng rau quả, thủy sản

Theo báo Kinh tế nông thôn, đối với mặt hàng rau quả, lần đầu tiên XK vượt qua mốc 3 tỷ USD, dự kiến XK rau quả năm 2017 đạt 3,6 tỷ USD, đưa rau quả trở thành mặt hàng có lợi thế cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2017, rau quả cũng là mặt hàng mở được nhiều thị trường khó tính nhất, thanh long được Úc, NewZeanland cấp phép nhập khẩu, vú sữa và xoài được thị trường Mỹ đón nhận và chanh leo được XK sang Pháp...

Cùng với rau quả, còn phải kể đến giá trị XK thủy sản. Nếu như đầu năm 2017, ngành thủy sản còn dè dặt đặt mục tiêu XK đạt 7,4 tỷ USD thì những tháng cuối năm đã tự tin có thể cán mốc 8 tỷ USD khi nhiều thị trường XK mới ghi nhận sự tăng trưởng đột phá. Kết quả này là nhờ DN XK thủy sản Việt Nam chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sạch, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm các thị trường mới đối với những mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra…

Góp phần vào “bức tranh XK” của ngành nông nghiệp còn có ngành gỗ. Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,5 tỷ USD. Kết quả này do các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng với các đơn hàng đã được ký. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang tập trung đầu tư chiều sâu về chế biến cũng góp phần nâng cao sản lượng và giá trị XK.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết: “Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm cung ứng nông sản chính của khu vực và thế giới, đây là tín hiệu thị trường rất tốt, giúp ổn định giá cả nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân”.

Bên cạnh đó, toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm và thuỷ sản an toàn. 

Năm 2018, thị trường rất rộng mở

Ông Đào Thế Anh nhận định, năm 2018, dự báo thị trường vẫn có những tín hiệu rất tốt cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng rau quả, thủy sản, gỗ.... Vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp cần cương quyết chuyển sang sản xuất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…, Có như vậy, nông sản Việt mới có thể tiếp cận được đa dạng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản XK.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: “Trong tái cơ cấu nông nghiệp 2018- 2020, phải đảm bảo được 2 nguyên tắc cơ bản nhất, đó là thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường. Phải xác định được quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị của nông sản XK để có thể đảm bảo được chất lượng nông sản cao, hạ được giá thành để có được giá cạnh tranh”

Bên cạnh đó, tiếp tục khơi thông lại thị trường, mở rộng thị trường phát triển. Đồng thời, giữ và mở rộng thị trường có năng lực XK cao như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…

Những kết quả ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2017 tạo tiền đề cho ngành có những bước đột phá trong những năm tiếp theo. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào công tác chế biến; thứ ba công tác mở rộng thị trường.

Năm 2018, phải đi từ những tiền đề là các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại để định dạng vùng nguyên liệu, hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các HTX kiểu mới, các trang trại...; tập trung phát triển thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu