01:45 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đừng vịn cớ "Hội nhập, phát triển" mà đánh mất Tết cổ truyền!

21:00 13/01/2017

(THPL) - Mới đây, bài viết của một nữ nhà văn trẻ nêu ý kiến "Đã đến lúc chúng ta bỏ Tết cổ truyền", tạo ra không ít "sóng gió" tranh luận sôi nổi trong cộng đồng mạng. Về vấn đề này, giảng viên, nghiên cứu sinh Hà Hoàng Hiếu- ngành Khoa học Trái Đất tại trường ĐH Văn Hóa Trung Hoa- Đài Loan vừa gửi đến Thương Hiệu và Pháp luật một bài viết ủng hộ việc giữ gìn bản sắc Tết cổ truyền. Đây cũng là một quan điểm cá nhân mang tính tham khảo, chúng tôi xin đăng nguyên văn những ý kiến của tác giả này.

Năm ngoái, khi tôi còn là giảng viên của một trường ĐH tại TP.HCM, người bạn của tôi là giám đốc một công ty chia sẻ: “Làm việc chưa được bao nhiêu mà cứ nghỉ Tết, nghỉ lễ suốt, rồi tiền thưởng, đủ các khoản, sao không bỏ luôn Tết ta để đi kịp thời đại".

Mới đây, khi nghe một nhà văn trẻ đưa ra ý kiến gộp Tết Tây và Tết Ta, tôi chợt nghĩ: Người ta ngày càng trở nên hời hợt, càng trở nên vô tình và họ chỉ đánh giá sự việc qua một cái nhìn rất phiến diện.

Họ luôn miệng bảo rằng ở nước này người ta như thế này, ở nước kia người ta đã làm thế nọ, nhưng họ chưa bao giờ có cái nhìn tổng quan cơ sở hạ tầng và điều kiện tại những quốc gia họ đề cập. Đặc biệt, không biết họ đã từng đến quốc gia đó để tìm hiểu về văn hóa, đời sống của con người bản địa hay chưa? Chứ còn ngồi máy tính rồi “võ miệng” thì không hay chút nào cả.

Tôi không phải là nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Tôi viết bài viết này với vai trò là một người dân. Tôi không biết, tôi may mắn hay bất hạnh khi sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp bần nông, lớn lên trong một vùng quê nghèo và chưa bao giờ có ý định sẽ đi ra khỏi cái vùng quê ấy.

Bằng nghị lực, tôi tự thân tìm cách đi du học và tự đi du lịch hơn 10 quốc gia khi ở độ tuổi 27. Ở mỗi nơi đi qua, tôi đều tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và đời sống của người dân bản địa.Thông qua đó, tôi tích góp những cái hay của họ nhưng cũng không bao giờ quên những giá trị thuộc truyền thống của quê hương mình.

Nếu ngoài đời bạn gặp tôi, bạn sẽ thấy tôi rất hiện đại, năng động nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ “sẽ bỏ Tết cổ truyền”. Đơn giản, vì chúng ta cần phải dung hòa giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất.

Xin chữ thầy đồ, nét văn hóa ngày Tết của người Việt Nam 

Chúng ta không thể nào gộp hai cái tết vào làm một. Chúng ta phải tôn trọng Tết Dương lịch để phù hợp với trào lưu của xã hội mới. Nhưng đồng thời phải giữ Tết cổ truyền vì Tết cổ truyền đã nằm trong lòng xã hội và văn hóa của người Việt Nam.

Nhà văn trẻ đó viết: “Người ta hô hào hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền. Tôi không phủ nhận, Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay”.

Tôi vẫn chưa hiểu tốc độ phát triển xã hội nhanh như vũ bão có liên quan gì đến Tết cổ truyền vì như tác giả nói, xã hội ngày càng phát triền thì cái gì thuộc về cổ truyền phải xóa bỏ. Điều này, chẳng lẽ lại giống với việc sau này con cái không cần nhớ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Tết cổ truyền không chỉ là những buổi đi thăm người thân, những buổi làm củ kiệu, làm mứt dừa mà nó còn là cơ hội để người ta gặp gỡ, giải lao và quên đi những nhọc nhằn, căng thẳng của cuộc sống; cũng là dịp để ôn lại những kỷ niệm giúp cho tình người thêm gắn bó và sâu đậm hơn.

Còn ý kiến: "Chúng ta chọn mở rộng phát triển kinh tế, giao thương với các nước châu Âu, châu Mỹ hay chọn chỉ quanh quẩn làm ăn với các nước láng giềng cùng đón Tết như ta?"

Tôi xin nêu ví dụ điển hình cho vấn đề này là Đài Loan. Đài Loan là vùng lãnh thổ phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa, từng được mệnh danh là một trong bốn con rồng Châu Á. Tuy nhiên, tại sao Đài Loan vẫn giữ tết truyền thống cùng thời điểm với Tết Việt Nam.

Vậy nguyên nhân phát triển kinh tế hẳn không phải là lý do để xóa bỏ Tết cổ truyền. Vì nếu như tác giả nói thì tại sao cộng đồng người Việt ở nước ngoài lại tự tổ chức Tết truyền thống. Vì họ đã định cư ở nước ngoài, họ là những người sống ở tại các đất nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Australia, Singapore… Nếu họ thấy Tết truyền thống không còn ý nghĩa và tốn kém thì họ tổ chức để làm gì?

"Trên lý thuyết, Tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng Tết cổ truyền là hồn của dân tộc, Tết còn thì dân tộc Việt mới còn (?!) Tôi không nghĩ vậy, cá nhân tôi cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh Tết để bày mâm cao cỗ đầy?".

Tôi cho rằng, thứ nhất, không phải ai cũng rảnh để gặp người thân của mình trong suốt 365 ngày. Vì vậy, Tết cổ truyền là dịp mà họ sẽ có cơ hội quay về nhà, trở về quê hương, cùng hội ngộ bạn bè, họ hàng, nói chuyện, tâm sự, chia sẻ những câu chuyện mà họ đã trải qua, để cùng nhau học hỏi những cái hay, cái đẹp từ khắp nơi trên thế giới. Cái gì hay thì mình học hỏi, cái gì xấu thì mình cải thiện. Đó là ý nghĩa sâu xa.

Còn mâm cao cỗ đầy hay không là do từng gia đình, từng cá nhân. Nếu như bạn chơi với những người chỉ biết lợi ích, chỉ biết sống vì đồng tiền, thì bạn phải trao đổi, gọi là có qua có lại.

Còn bạn chơi với người giản dị thì bạn đến nhà người ta chơi không cần phải mâm cao cỗ đầy. Nếu là mối quan hệ cấp trên, cấp dưới thì việc đi mâm cao cỗ đầy là do lợi ích cá nhân muốn nịnh bợ, muốn luồn cúi, chứ Tết cổ truyền không có quy định bạn phải tặng quà cáp cho sếp hay cấp trên.

"Thực chất, cái mà chúng ta đang quyến luyến đó chính là Tết xưa, những cái Tết có lẽ chưa đủ đầy như bây giờ nhưng trọn vẹn vị Tết, những ngày chuẩn bị phơi phóng củ kiệu, lục tục làm dưa món, kho nồi măng hột vịt hay ở miền Bắc thì có thịt nấu đông. Mứt sen, mứt gừng mứt dừa hương thơm bay đến cuối ngõ. Những ngày ta cố làm gắng cho đủ tiền mua cho con tấm áo mới kịp đón giao thừa, mẹ thì lấy tiền để dành mua cành mai, cành đào để nhà có không khí xuân."

Theo tôi, tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình, từng cá nhân mà lựa chọn cho mình một cái Tết phù hợp. Quy luật cung cầu ngày tết cũng giống như làm ăn kinh tế. Cái gì không tự làm được thì mua, chứ không ai ép Tết cổ truyền là tự bản thân mình phải làm mứt, làm bánh, làm mọi thứ.

Giống như mỗi người chọn cho mình một cách sống, miễn sao đừng vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến người khác. Vả lại, bỏ tiền ra mua hàng hóa ngày tết cũng là giúp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tết cổ truyền là dịp gia đình người Việt hội tụ và đoàn viên 

"Các nước nghỉ Tết tây, chúng ta cũng nghỉ. Rồi khi các nước quay trở lại vào guồng làm việc hăng hái suốt một năm, chúng ta lại rề rà vì chuẩn bị nghỉ Tết cổ truyền. Hết Tết cổ truyền vẫn uể oải, thậm chí là kiêng kỵ tiền vào tiền ra cho tới hết tháng Giêng"

Việc giao dịch giao thương, đó là vấn đề quản lý nhân sự của từng công ty. Chứ không phải nghỉ tết là hết làm việc. Ví dụ điển hình, ở Úc, một số công ty cho nghỉ giáng sinh từ 1 tuần đến 2 tuần. Ngoài ra, họ còn nghỉ rất nhiều ngày lễ trong năm. Nhưng nền kinh tế Úc vẫn phát triển. Đài Loan nghỉ tết 1 tuần, kinh tế Đài Loan vẫn phát triển. Ngoài ra, Đài Loan còn cho nghỉ đông, nghỉ Trung thu, nghỉ tết nguyên tiêu...

Chúng ta đừng đỗ lỗi cho Tết cổ truyền sẽ làm tăng tai nạn giao thông, làm tăng tệ nạn xã hội. Theo quy luật tự nhiên, nạn cờ bạc, cá độ không phải tập trung vào ngày tết, mà ngay cả các sự kiện thể thao, lễ hội khác đều diễn ra.

Chẳng hạn: qua mùa World Cup, Seagame, chúng ta lại nghe báo chí đưa tin bắt hàng loạt băng nhóm cá độ. Như vậy, chúng ta sẽ đề nghị dẹp World Cup, dẹp luôn Seagames hay sao? Chúng ta không thể làm như vậy vì tệ nạn là do tự bản thân con người tạo ra. Không thể vì quản lý không được rồi đòi dẹp, đòi bài trừ nó đi.

Nếu nói về kinh tế, Tết cổ truyền là cơ hội để sinh viên làm thêm, buôn bán. Tết là cơ hội để người nông dân trồng hoa, trồng cây cảnh, làm mứt để buôn bán, tăng thêm thu nhập. Vậy thì hà cớ gì bảo rằng Tết cổ truyền tác động xấu đến kinh tế?

Tại sao Thái Lan có tết Song Khran, thu hút hàng ngàn khách du lịch đến Thái Lan dịp này. Như vậy, phải chăng chúng ta chưa học được cái hay của các nước khác để làm cho cái Tết truyền thống trở nên thịnh vượng và đầm ấm hơn.

Chúng ta chỉ nhìn những mặt tiêu cực mà chưa chịu tìm ra nguyên nhân sâu xa để cải thiện. Bản thân Tết cổ truyền là tích cực, tuy nhiên không tránh khỏi một bộ phận cá nhân tiêu cực làm ảnh hưởng đến nét đẹp của Tết. Vì vậy, muốn tiêu diệt thì tiêu diệt cái nguyên nhân làm ra tiêu cực chứ không thể nào hủy bỏ Tết cổ truyền.

Hà Hoàng Hiếu

 

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu