23:24 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cổ phiếu ngành thép có tiếp tục “bùng nổ” trong năm nay?

07:24 14/03/2017

(THPL) – Năm 2016 đã chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu ngành thép khi những công ty thép đạt kết quả kinh doanh khả quan. Liệu cổ phiếu ngành này có tiếp được đà tăng trưởng của năm 2016?

Theo dữ liệu thống kê báo cáo tài chính từ các doanh nghiệp thép, tổng doanh thu thuần năm 2016 của doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết đạt 113,586 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2015. Có thể nói, năm 2016, với sự trỗi dậy của lĩnh vực xây dựng và bất động sản, ngành thép được hưởng lợi và khởi sắc trở lại sau một thời gian dài gặp khó khăn. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ tự vệ của Bộ Công thương bước đầu đã giúp doanh nghiệp thép Việt Nam dần chấm dứt tháng ngày chật vật trong bối cảnh cạnh tranh với nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc.

Hoạt động kinh doanh tích cực giúp cho cổ phiếu ngành thép nhìn chung đạt kết quả khả quan trong năm 2016. Tổng quan, cổ phiếu của 16/20 doanh nghiệp tăng giá với tốc độ tăng trung bình toàn ngành đạt 67%. Diễn biến này có thể nói là trái ngược hoàn toàn với năm 2015, khi mà hầu hết các cổ phiếu ngành thép đều lao dốc không phanh trước viễn cảnh kinh doanh khó khăn.

Tổng lợi nhuận toàn ngành (20 doanh nghiệp niêm yết) thu về hơn 10,564 tỷ đồng, gấp 1.6 lần so với giá trị thu về năm 2015 (4,063 tỷ đồng), trong đó chỉ duy nhất Công ty Sóc Sơn (DPS) có mức sụt giảm lãi ròng hơn 17%.

Các doanh nghiệp thép vẫn còn nhiều “đất” để phát triển

Nhận định về triển vọng thị trường thép năm 2017, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thuận lợi của ngành thép là Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương, đang đàm phán 4 FTA và đang xem xét 1 FTA.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, dự báo sản xuất thép trong nước tăng 12% trong năm 2017. 

Theo các cam kết về thuế quan của các FTA đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở 0,69% - 7,55% trong giai đoạn 2015 - 2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, ngành thép Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với ngành thép thế giới. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

Ông Sưa cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Cụ thể, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép thành phẩm như thép dẹt, tôn mạ và thép hợp kim. Tổng lượng thép nhập về trong năm 2016 tăng tới 25%, lên 17,5 triệu tấn.

Đại diện VSA cũng dự báo, năm 2017, sản xuất thép trong nước sẽ tăng 12%. Với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước, nhu cầu tiêu thụ thép tới năm 2020 sẽ tăng lên 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm. Đến năm 2025, nhu cầu tiếp tục tăng lên 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Do đó, dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn rất lớn.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Cty CP Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSc), cho rằng, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới. Do đó, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp. 3 hướng trong số đó là: Tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín; Khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành; Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ.

Cổ phiếu thép tiếp tục “bùng nổ”?

Nhằm đánh giá về tiềm năng của các cổ phiếu ngành thép, ông Đặng Trần Hải Đăng cho biết, nhìn chung, năm 2016, doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt khi lợi nhuận đều tăng trưởng 70%-130% so với năm 2015.

Xét về các chỉ số sinh lời, cổ phiếu của các “ông lớn” là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vẫn là những doanh nghiệp đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, Thép Nam Kim (NKG) và Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC lại có tỷ lệ ROE (Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) cao nhất.

Nhiều cổ phiếu có sự bứt phá, "bùng nổ" ngoạn mục, chẳng hạn như cổ phiếu Cty CP Đại Thiên Lộc (DTL), thoát đáy 5,800 đồng/cp trong năm 2015 (vào ngày 03/12/2015), cổ phiếu này thay đổi hoàn toàn trong năm 2016. DTL đã tăng một mạch không ngừng từ mức 8,200 đồng/cp lên mức 30,600 đồng/cp, tương ứng tăng 273%, dẫn đầu đà tăng toàn ngành trong năm 2016 vừa qua.

Hay như cổ phiếu Cty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), từ mức giá thấp nhất lịch sử là 2,700 đồng/cp vào ngày 18/02/2016, cổ phiếu này đã bứt phá ngoạn mục để đóng cửa năm 2016 tại 12,250 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình TLH năm qua đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên, gần gấp 5 lần năm 2015.

Các đánh giá đều cho rằng, cổ phiếu ngành thép đáng xem xét trong danh mục của các nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, ông Đăng cũng cung cấp thêm thông tin về quy mô và cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp thép niêm yết, cho thấy, đối với các doanh nghiệp sản xuất thép, tài sản cố định và hàng tồn kho là các hạng mục chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu tài sản, khác với các doanh nghiệp thương mại thép. Ngoài ra, xét về đòn bẩy tài chính, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Ông Đăng tổng hợp thêm, trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn Vn-Index. Các chỉ số P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung của thị trường (12-13 lần). Vì vậy, cơ hội đầu tư vẫn có thể tìm được ở những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển vững như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Việt Đức (VGS)…

Ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám đốc VietinbankSc nhận định: “Nhìn chung, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô nhỏ nhưng vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Chi phí sản xuất thép tại Việt Nam tương đối cạnh tranh khi so với các nước trong khu vực và chỉ thua Trung Quốc. Năm 2016, ngành thép đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn sản phẩm cuối cùng. Theo tôi, đó là số liệu rất thuyết phục. Tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành thép còn rất lớn do nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng ở các thành phố và khu vực ngoại ô. Lượng thép tiêu thụ/đầu người năm 2016 mới chỉ đạt 240 kg, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (262,7 kg), Malaysia (336,1 kg), Đài Loan (837,1) hay Nhật Bản (531,7 kg). Vấn đề của các doanh nghiệp trong ngành là nên mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng. Ví dụ như phân khúc HRC. Hiện tại trong nước HRC phải nhập khẩu 100%. Nếu như doanh nghiệp làm ống có thể tiến tới sản xuất được HRC, tiềm năng tăng trưởng sẽ rất rộng mở."

Bên cạnh đó, ngành thép Việt Nam có P/E đang đạt khoảng 6 lần, tương đối thấp so với mức P/E của thị trường (16,7 lần). Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên cân nhắc nhìn nhận cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt, ông Đức nhấn mạnh.

Minh Khuê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu