11:10 ngày 07/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu lâm sản lập kỷ lục 9,3 tỷ USD năm 2018

19:30 26/12/2018

(THPL) - Năm 2018, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; trong đó có một số nhiệm vụ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% của toàn ngành; giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD. Thị trường XK lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản.

Đồng thời, cả nước thu hơn 2.859 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,7% kế hoạch năm 2018 và tăng 68% so với năm 2017.

Không những vậy, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên Minh Châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)...

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, ngành lâm nghiệp xác định là một ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, ngành này sẽ triển khai nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng.

Đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng; chú trọng khuyến lâm, phát triển các nhà máy chế biến gắn với ứng dụng công nghệ mới và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 - 6%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt trên 10,5 tỷ USD.

Cùng với đó, ngành xác định tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đặc biệt là tổ chức nghiên cứu, thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các lĩnh vực mới có nhiều tiềm năng...

Hiện tổng số doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, trong đó khối FDI có trên 700 doanh nghiệp, đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 là năm bản lề để triển khai Luật Lâm nghiệp mới sửa đổi. Cùng với đó, để phát triển được ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rừng phải xác định đúng nghĩa rừng vàng, phát huy được nhiều sản vật và tiềm năng khác.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu ngành Lâm nghiệp trong năm 2019 tập trung giải quyết các vụ vi phạm về phá rừng, bảo vệ tốt rừng Tây Bắc, Tây Nguyên và phát triển rừng ven biển. Để thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành thực hiện tốt việt truy xuất nguồn gốc gỗ thật minh bạch cùng với đó rà soát, đánh giá lại việc thực hiện “Đề án 866” về Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Anh Tuấn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu