00:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7

Tuấn Linh (T/h) | 10:50 06/08/2024

(THPL) - Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024 xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc chỉ đạt 606 tấn, giảm 76,5% so với tháng 6.

Thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho hay, trong tháng 7/2024 Việt Nam xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tháng 7/2024 đạt 129,9 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 112,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 17,7 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn (tăng 15,7% so với tháng trước); giá xuất khẩu bình quân tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn tăng 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng chiếm 27,2% đạt 5.914 tấn, tiếp theo là các thị trường UAE đạt 2.509 tấn, Đức đạt 1.415 tấn, Hà Lan đạt 940 tấn, Pháp đạt 936 tấn. Xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 606 tấn, giảm 76,5% so với tháng 6.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7. Ảnh minh hoạ

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 164.357 tấn, trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 652,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,2 triệu USD.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 7 tháng tăng 48,4% và chiếm 26,4% thị phần đạt 43.349 tấn. Tiếp theo là các thị trường: Đức đạt 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE đạt 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ đạt 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 đạt 8.059 tấn, so cùng kỳ giảm 84,6%.

Trước đó, VPSA từng nhận định, mức tăng giá tiêu tháng 7 tại thị trường nội địa không như kỳ vọng do nhu cầu thấp từ thị trường Trung Quốc. Hiện giá hồ tiêu tại thị trường Trung Quốc đang thấp hơn giá tại Việt Nam có thể là nguyên nhân chính của việc hạn chế nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam.

Cũng liên quan đến ngành tiêu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen tiêu với cà phê, tỷ lệ 6 -2. Sản lượng hồ tiêu vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh vẫn còn nhưng không đáng kể.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu (El Nino, La Nina) ngày càng khắc nghiệt dẫn tới một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh, dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại….

Nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 142,5 ngàn tấn tiêu, so với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 ngàn tấn, ước sản lượng còn lại khoảng 28 ngàn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40-45 ngàn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch) cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm, và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.

“Sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác, gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024. Dự báo giá tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường như trong thời điểm ngày 11/6, buổi sáng giá tăng mạnh 20 ngàn đồng nhưng buổi chiều lại giảm mạnh trở lại”, đại diện VPSA nói.

Nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến nước này tiếp tục hạn chế mua hàng từ Việt Nam, cho dù lượng nhập khẩu từ Indonesia 6 tháng tăng đến 46,4% (997 tấn) so với cùng kỳ 6 tháng 2023.

Tuấn Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu