11:58 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gỗ và lâm sản còn đối mặt với nhiều khó khăn

Minh Đức (t/h) | 10:51 21/07/2022

(THPL) - Thời gian qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sụt giảm so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều khó khăn trong xuất khẩu gỗ đang cần được tháo gỡ trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang loay hoay với việc hoàn thuế và truy xuất nguồn gốc gỗ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, XK sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng năm 2022, trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, XK sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo Chính phủ, nói về nguyên nhân trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM phân tích: Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng ở các nước Mỹ và EU đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu nên cắt giảm chi tiêu mua đồ gỗ vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá thành sản xuất tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta...

Trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang loay hoay với việc hoàn thuế và truy xuất nguồn gốc gỗ.

Cụ thể, tại công văn mới đây của Chi hội Dăm gỗ Việt Nam gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đang gặp khó khăn rất lớn trước các quy định không thống nhất về nguồn gốc gỗ rừng trồng giữa Bộ NN&PTNT với các quy định về thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ trước hoàn thuế VAT xuất khẩu của Bộ Tài chính.

Cơ quan Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc đến tận người trồng rừng, nguồn gốc gỗ được xem là hợp pháp khi doanh nghiệp hoàn thuế/cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cung cấp thông tin tới chủ rừng với các giấy tờ: Sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; bảng kê lâm sản; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận.

Xuất khẩu gỗ đối diện với nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần tháo gỡ. Ảnh minh họa

Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho rằng, các yêu cầu trên của cơ quan thuế hoàn toàn khác khi đối chiếu với quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ban hành ngày 16/11/2018, về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Điều 5 và Điều 15 đối với gỗ rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Trong quá trình xác minh cơ quan thuế yêu cầu rất nhiều thành viên cùng tham gia xác minh nguồn gốc gỗ (bao gồm chủ phương tiện vận chuyển, biển số xe, chủ rừng, kiểm lâm, địa chính, công an xã, lãnh đạo xã, đại diện cơ quan thuế) điều này gây ra sự bất cập rất lớn và kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc gỗ. Nếu một trong các thành viên trong quá trình xác minh bị thiếu hoặc không rõ thông tin, lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị xem là không rõ nguồn gốc. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mà chính quyền địa phương cũng không đủ nhân lực để thực hiện, gây ách tắc nhiêu khê, thủ tục hành chính rườm rà.

Cũng theo Chi hội gỗ Dán, các cơ quan đơn vị có chức năng cấp C/O nguồn gốc cho sản phẩm ván ép yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ gồm: Bảng kê lâm sản có xác nhận của kiểm lâm, đơn xin khai thác, chứng minh nhân dân của chủ rừng, sổ đỏ... Nhưng các văn bản này đi qua quá nhiều đơn vị trung gian nên doanh nghiệp không chắc chắn được là có chính xác hay không. Như vậy, các bảng kê đang sử dụng để xin cấp C/O không có tính thực tiễn, không có tính hợp pháp quốc tế.

Trước những vướng mắc, khó khăn cả về hoàn thuế VAT và truy xuất nguồn gốc gỗ, các hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng cần thống nhất về các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc truy xuất nguồn gốc lâm sản giữa quy định của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính liên quan tới truy xuất nguồn gốc gỗ, đồng thời có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cho đúng và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Nhận định về mục tiêu xuất khẩu, báo Hà Nội mới đưa tin, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, để hoàn thành mục tiêu năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17 tỷ USD, Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương, bộ, ngành xây dựng đề án bài bản về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là chiến lược lâu dài cho ngành gỗ và phát triển rừng của Việt Nam.

Trước mắt, để có nguồn cung nguyên liệu gỗ bảo đảm cho sản xuất rất cần sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Theo đó, trong kế hoạch phát triển rừng hằng năm, các địa phương cần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng - cần phải tổ chức thực hiện bài bản, chấn chỉnh toàn diện ngay từ khâu chọn giống, làm giống cho rừng trồng, kiểm soát chất lượng giống. “Nước ta hiện có 1,1 triệu hộ nông dân trồng rừng, nhưng không có hợp tác xã thì không thể liên kết được với nông dân, người trồng rừng để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu, sản xuất chế biến...”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nỗ lực liên kết phát triển gỗ có chứng chỉ FSC (chứng chỉ Quản lý rừng). Nguồn cung gỗ rừng trồng có chất lượng là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu...

Bên cạnh đó, “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xây dựng những chiến lược, mục tiêu cụ thể, trong đó thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường... Đây là những giải pháp phát triển bền vững.

Minh Đức (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu