02:42 ngày 13/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trên thế giới

16:23 23/12/2022

(THPL) - Bất chấp thị trường thế giới diễn biến phức tạp bởi lực cầu suy giảm, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia, xuất khẩu Dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng trong năm 2022.

Theo thông tin của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 44,5 tỷ USD, xuất khẩu dệt may của Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay của ngành, để đạt được kết quả này là nhờ dệt may Việt Nam làm được nhiều đơn hàng nhỏ, đa dạng chủng loại và kỹ thuật khó. Ngoài ra, Việt Nam cũng có kỹ năng quản trị tốt và là xu thế trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, cùng đó năng suất lao động trên đầu người tốt đã giúp bù lại phần nào yếu tố về giá bán, khiến khách hàng vẫn tin tưởng ở dệt may Việt Nam.

Báo cáo mới đây của McKinsey về bức tranh ngành thời trang năm 2023 chỉ ra 3 rủi ro chính đối với ngành thời trang năm 2023 gồm: lạm phát, bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Dệt may là ngành phản ứng khá nhạy với diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trên thế giới. Ảnh: Internet

Dự báo ngành dệt may năm 2023, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết , tình hình 3 tháng đầu năm sẽ "chưa có gì sáng sủa hơn quý cuối năm 2022", do kinh tế thế giới vẫn khó khăn, tăng trưởng giảm, lạm phát ở mức cao. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Liên quan đến dệt may, trước đó ngành dệt may đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD. Vì là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023 trong bất kì kịch bản nào. 

Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I năm sau mọi việc sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, trong kịch bản 2 ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 - mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, cả thế giới không đặt hàng dệt may dài hạn vì vậy, các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn.

Thanh Mai

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu