05:32 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đạt 11,9 triệu USD

16:22 28/10/2020

(THPL) - Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đạt 11,9 triệu USD, chiếm 2,29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng không không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường Trung Đông và châu Phi. Mặc dù vậy, xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp sang thị trường Ai Cập và một số thị trường ở Trung Đông hiện có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng năm 2020, cả 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong khu vực này gồm: Israel, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đều ghi nhận mức giảm khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập mới chỉ đạt 23,5 triệu USD giảm 35,6% so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2019. Đây là mức sụt giảm lớn nếu so với mức giảm chung 8,7% của tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vào thị trường này.

Ai Cập - thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng 

Theo báo cáo của VASEP, trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đã đạt 11,9 triệu USD, chiếm 2,29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi. Hiện Ai Cập cùng với Saudi Arabia, Israel, UAE là các quốc gia nhập khẩu cá ngừ (được chế biến hoặc bảo quản) lớn nhất trong khu vực.

Theo số liệu của Hải quan Ai Cập, năm 2019, Ai Cập nhập khẩu lượng cá ngừ có trị giá 162 triệu USD, chủ yếu từ Thái Lan (145 triệu USD). Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ đứng đầu thế giới với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm và mặt hàng này đã quen thuộc với người tiêu dùng Ai Cập.

Mặc dù đứng thứ 2 nhưng Việt Nam lại chỉ chiếm 5,6% thị phần với khoảng 9 triệu USD. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất.

Xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập đat 11,9 triệu USD (ảnh minh họa)

Ngoài cá, Ai Cập phải nhập khẩu tôm với kim ngạch khoảng 164 triệu USD nhưng chủ yếu từ UAE (89%) và Saudi Arabia (7,6%) trong khi giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường không đáng kể, vào khoảng 180.000 USD theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Có thể thấy tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Ai Cập vẫn còn lớn do chủ yếu hiện nay mới chỉ có cá ba sa phi lê đông lạnh trên thị trường. Nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm đông lạnh hay cá thu, các hồi đóng hộp sẽ có cơ hội lớn đến với người dân nước bạn.

Thúc đẩy tiêu thụ cá ngừ nội địa

Được biết, cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Dù tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên, nhưng trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thì một trong những hướng gỡ khó đầu ra cho cá ngừ vẫn là chú ý đến phân khúc thị trường trong nước.

Vài năm trở lại đây, các cửa hàng cung ứng cá ngừ đại dương xuất hiện khá nhiều, các điạ chỉ các cơ cở cung ứng cùng những lời giới thiệu về cá ngừ đại dương cũng xuất hiện nhiều hơn trên các trang mạng xã hội. Nhiều khách hàng ở xa, hiện cũng dễ dàng đặt mua, thậm chí có khách hàng mua cả nguyên con cá ngừ đại dương.

Như vậy, tăng được sức tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước là điều hết sức có ý nghĩa trong thời gian này, bởi nhiều tháng nay, xuất khẩu cá ngừ đại dương gặp ách tắc.

Tuy nhiên, để kích cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá ngừ đại dương, hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như: chủng loại sản phẩm phải đa dạng, chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý... 

Cá ngừ mở rộng đường sang Châu Âu

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, bên cạnh mặt hàng tôm, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao của Việt Nam sang thị trường EU. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nhà của người Châu Âu tăng mạnh do tác động đại dịch COVID-19. Cùng với đó, hiệp định EVFTA với ưu đãi đặc biệt về thuế quan mở ra tiềm năng lớn hơn nữa cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam.

Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%) và tháng 9 là 11,9 triệu USD tăng 13,3% so với các tháng trước đó.

Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực đã mở ra cơ hội và là lực đẩy rất lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu mặt hàng cá ngừ.

Hiện Thái Lan và Trung Quốc đang là hai quốc gia nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn nhưng cả hai đều chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU và cũng không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với các nước tại hai khu vực thị trường lớn là EU và thị trường các nước thành viên CPTPP.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu