15:41 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xót xa mẹ vừa chăm con tai nạn vừa ngóng con mất tích

15:31 12/03/2019

(THPL) - Mót hộp sữa cuối cùng trong tủ, đôi tay bà Lê Thị Thu run run cố bón từng thìa sữa cho người con trai bị liệt gần 1 năm nay. Thỉnh thoảng người con trai lắc mạnh đầu khiến sữa đổ ộc cả vào mũi, bà lại nuốt nước mắt, tỉ mẫn lau chùi. “Con còn cử động, mẹ còn nhìn thấy con là mẹ mừng rồi”, vừa lau bà vừa vỗ về con mà cũng như an ủi chính mình.

Ngôi nhà của gia đình bà Thu năm ở cuối một đường cụt tại xóm Nam Giang, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà. Nhìn bên ngoài nhìn cũng tươm tất, nhưng bên trong gần như trống hoác. Căn phòng ấm cúng nhất chính là phòng ngủ của anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1985) con trai thứ 2 của bà Thu.

Hơn một năm nay, kể từ khi cuộc sống của anh Sơn gắn liền với chiếc giường thì bà Thu cũng chỉ biết quanh quẩn trong ngôi nhà của mình. Hàng ngày công việc của bà xoay quanh việc chăm sóc cho người con trai bất động nằm một chỗ, chỉ thi thoảng thốt lên âm thanh vô thức.

Từ một người đàn ông khỏe mạnh anh Sơn giờ chỉ nằm bất động một chỗ, cơ thể bị biến dạng.

Nhìn cơ thể anh Sơn hiện nay ít ai biết rằng trước đây là là người khỏe mạnh, là trụ cột chính của gia đình. Tai họa ập xuống trong một lần đi làm về, qua khu vực Cầu Già (thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc) anh Sơn va chạm với xe tải phải đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Tại đây, sau khi nhận định tình hình sức khỏe của anh các bác sĩ đã chuyển ra bệnh viện Việt Đức. Nỗi đau đè nặng lên đôi vai người mẹ già khắc khổ khi các bác sĩ cho biết anh Sơn bị đa chấn thương: gãy chân trái, tổn thương mắt phải và chấn thương sọ não và khó có thể cứu được tính mạng.

Anh Sơn không thể tự ăn uống mà bà Thu phải bơm qua miệng

Gia đình nghèo khó chỉ biết trông chờ vào mấy mảnh ruộng đến ăn còn không đủ, nhưng vì thương con, bà đành vất vả ngược xuôi để vay mượn người thân, hàng xóm lẫn việc bán trâu bò, xe máy để có tiền phẫu thuật cho con. Người anh trai cả cũng cầm cố để vay mượn lấy tiền phẫu thuật cứu lấy em trai mình.

Sau gần nửa năm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, tiền phẫu thuật não lẫn thuốc men đã lên tới 300 triệu đồng nhưng chỉ tạm thời cứu được tính mạng anh. Từ một người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh, Sơn giờ chỉ như đứa trẻ. 2 phần dầu bị móp, chân trái co quắp không thành hình, con mắt phải bị mù vĩnh viễn.

Trong khi một đứa con bị chấn thương sọ não năm 1 chỗ thì một người con trai của bà Thu đi xuất khẩu lao động nhưng bặt vô âm tín cả 1 năm nay. Những nỗi đau quá lớn liên tục ập tới khiến bà Thu không còn sức lực để gắng gượng được nữa.

Hàng ngày, ngồi chăm sóc nhìn cơ thể không lành lặn của con bà Thu đau từng khúc ruột. Gia đình được các bác sĩ giới thiệu để đưa anh Sơn ra Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để điều trị phục hồi chức năng. Nhưng vì không có tiền, nhà lại chẳng còn thứ chi đáng giá, bà đành ngậm nước mắt khi phải đưa con về nhà chăm sóc.

“Tui chỉ thèm nghe nó gọi lại tiếng mẹ lần nữa như hồi nó lên 3. Lần cuối cùng tôi còn nghe nó nói chuyện là bữa nó gặp nạn. Trước khi chuẩn bị đi về Sơn có điện cho tôi nấu cho bát canh rau ngon ngon để về ăn cơm. Rứa mà cách 5 phút sau thì người ta gọi điện nói Sơn bị tai nạn. Ai ngờ từ bữa đó đến nay, nó cũng không thể ăn được cơm canh tui nấu nữa”, bà nghẹn giọng.

Từ khi ra viện đến nay anh Sơn cứ nằm bất động một chỗ, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều do một tay bà Thu chăm sóc. Những khi trái gió, trở trời nhìn đứa con rên xiết vì đau, bà chỉ còn cách ngồi xuống bên con động viên, an ủi cho vơi bớt đi nỗi đau.

Hàng tháng bà phải nhờ người đi bệnh viện tỉnh hoặc vào bệnh viện để mua thuốc cho con. Nhiều lúc thuốc hết, con đau mà lòng bà cứ dằn vặt không biết lấy chi bán để lấy tiền mua thuốc. Những khi đó bà không đêm nào được ngủ ngon giấc, cứ nhắm mắt là nghe con rên vì đau, bà phải canh chừng cho con ngủ mà nước mắt cứ chảy dàn dụa. “Thỉnh thoảng có người vô thăm lại cho cháu dăm ba chục để mua thức ăn, hoặc sữa tẩm bổ chứ giờ bản thân tôi không đi ra khỏi nhà vì luôn cần người túc trực bên Sơn. Nhiều khi Sơn lên cơn co giật rất nguy hiểm”, bà Thu cho hay.

Nỗi bất hạnh của người mẹ khi một con nằm liệt giường, một con thì biệt vô âm tín ở nước ngoài

Trung bình mỗi ngày, tiền bỉm sữa, thuốc men, ăn uống của anh Sơn lên đến 100.000 đồng. Số tiền này từ lâu đã vượt quá tầm tay của bà Thu. Nhìn hộp sữa cuối cùng trên tay, bà Thu thở dài: “Không biết mai lấy đâu tiền mua sữa cho cháu nữa đây.

Không chỉ chăm sóc con, bà còn phải chăm sóc người chồng thường xuyên đau ốm, đi lại khó khăn. Nhưng nghiệt ngã thay, nỗi đau lại một lần nữa dằn vặt vào thấu tâm can người phụ nữ bất hạnh. Người con trai út là Lê Văn Khánh (SN 1989), vì thương mẹ nghèo, vất vả nuôi anh bệnh tật nên xin đi xuất khẩu lao động tại Ba Lan. Gần 1 năm nay, anh Khánh bặt âm vô tín, không lấy một thông tin liên lạc về gia đình.

“Có đứa cháu bà con cũng làm bên đó cách mấy trăm km, nó cũng nhờ người hỏi han tin tức mà không cháu giờ ở đâu. Ruột gan tôi giờ đau xót lắm, chỉ mong con được bình an”, bà Thu xúc động rơm rớm nước mắt.

Dù gần 70 tuổi, bà Thu chưa có lấy một ngày thảnh thơi, niềm vui của bà chỉ là mỗi ngày thấy con ăn được miếng cơm, miếng cháo, bớt khóc la. Những khi con bà trở bệnh, lòng bà lại cứ quặn thắt. Nhiều lúc đau đớn tột cùng bà chỉ biết ôm con khóc mà không nói nên lời.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3204: Bà Lê Thị Thu - thôn Nam Giang, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

Số ĐT: 0357.319.154

Theo báo Dân Trí

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu