13:45 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xét xử vụ Tập đoàn FLC kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam

Minh Anh (tổng hợp) | 16:52 30/09/2019

(THPL) - Sáng 30/9, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đưa vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa Công ty CP tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ra xét xử.

Theo đơn khởi kiện của FLC, ngày 1/10/2018, Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng". Tập đoàn này cho rằng báo thông tin này là sai sự thật. Bởi tập đoàn và Công ty Hòa Bình đối tác vẫn trong quá trình đàm phán, trao đổi để thực hiện 2 hợp đồng trên - báo Lao động đưa tin.

Đến nay, việc thanh, quyết toán 2 hợp đồng trên chưa thực hiện được là do giữa 2 bên còn tồn tại một số bất đồng. Vì vậy, những thông tin được đăng tải tại bài viết: "Tập đoàn FLC còn nợ vốn gốc của Công ty Hòa Bình là 213 tỉ đồng Việt Nam" và bài viết "Mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền" là những thông tin sai sự thật.

Bên trong phòng xét xử. (Ảnh: Dân Việt)

Tập đoàn này cho rằng báo có hành vi cố ý đưa tin không chính xác, trực tiếp xâm phạm uy tín của mình, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về Tập đoàn FLC, từ đó gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn FLC. Do đó, tập đoàn đã khởi kiện báo đòi bồi thường thiệt hại bằng 10 tháng lương cơ bản, tương đương 14 triệu đồng

Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng đề nghị tòa tuyên buộc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam phải gỡ bỏ tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, tại thông cáo báo chí phát đi ngày 24/9 và tại phiên tòa, đại diện báo khẳng định: việc đăng tải thông tin tại bài báo nói trên là hoàn toàn đúng sự thật dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật Báo chí, Luật phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí đấu tranh chống lại tệ tham ô, tham nhũng, các biểu hiện sai trái, tiêu cực… Trước khi xuất bản bài báo trên, tác giả đã trực tiếp liên hệ với người đứng đầu tập đoàn qua điện thoại, tin nhắn, email song không có hồi đáp.

"Việc xác minh thông tin để đăng bài, chúng tôi thực hiện trên nhiều nguồn. Tuy nhiên, nếu FLC phản hồi sau bài báo đăng, chúng tôi khẳng định sẽ đưa trung thực ý kiến của họ", đại diện báo trình bày. Theo đại diện, bài viết hoàn toàn đúng, bởi thực tế đến nay, bài viết này vẫn còn trên hệ thống, trang báo.

Có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện công ty Hòa Bình cho hay, việc xác định FLC "chây ì" không trả nợ liên quan đến hai hợp đồng số 57 và 18. Phía công ty cho hay, sau khi thực hiện xong việc xây dựng các công trình liên quan đến hai hợp đồng này từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2015 đã bàn giao cho FLC và yêu cầu quyết toán. Tuy nhiên, FLC "chây ì" không trả tiền.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, ở một diễn biến khác, tháng 11/2018, Cục Báo chí thuộc Bộ TT&TT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam do đơn vị này đã có nhiều hoạt động không tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Quyết định này được ban hành sau khi Cục Báo chí tiến hành rà soát, đánh giá nội dung thông tin trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, căn cứ theo phản ánh của FLC gửi tới Cục.

Ngày 22/8/2018, công ty có đơn phản ánh đến FLC về việc chưa thanh toán. Công ty đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan truyền thông, trong đó có báo điện tử Giáo Dục Việt Nam. "Đầu tháng 10/2018, báo đăng đúng như công văn Hòa Bình gửi. Chúng tôi cũng đã có thư cảm ơn tới báo", đại diện công ty Hòa Bình trình bày.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu