14:44 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có "nhạc trưởng" điều phối

TH19 | 16:53 09/07/2022

(THPL) - Tại hội nghị Tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ cân nhắc việc chọn "nhạc trưởng" để điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại hội nghị Tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra vào sáng ngày 09/07, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ cân nhắc việc chọn Bí thư Thành uỷ TP HCM hoặc một Phó thủ tướng để điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 địa phương: TP HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang với gần 22 triệu dân, chiếm 9,2% diện tích, đóng góp 35% GDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa phát huy được. Ngoài nguyên nhân thiếu quy hoạch hiện đại, đồng bộ còn do liên kết, phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, chưa chặt chẽ. "Thiếu hụt nhạc trưởng phù hợp với thể chế chính trị, hoàn cảnh cụ thể là cái chưa được của ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ cân nhắc chọn một Phó thủ tướng hay Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên làm "nhạc trưởng" điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo đề xuất của các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 9/7. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng cho biết sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nâng cao tính tự lực của mỗi địa phương. Mục tiêu là vừa huy động sức mạnh tổng lực, vừa phát huy sức mạnh mỗi địa phương liên quan phát triển vùng. Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực xử lý các vướng mắc của địa phương, không để các tỉnh thành chạy lòng vòng, mãi không giải quyết được.

Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng thời gian qua khi các doanh nghiệp như Lego, Intel gặp vướng mắc, ông đã cử Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lập tổ công tác xử lý các đề xuất của doanh nghiệp, có giải pháp xử lý ngay dựa trên thẩm quyền, trách nhiệm mỗi bên. Cách làm như vậy giúp nhà đầu tư giải quyết nhanh các vướng mắc, nắm bắt tốt cơ hội.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có cơ chế huy động nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. "Nghị quyết 53 đã đạt được kết quả trên mọi mặt sau 17 năm thực hiện. Nhưng do tình hình mới, tầm nhìn mới Đảng xác định sẽ cần có nghị quyết thay thế để xứng tầm, phù hợp thực tiễn hơn", Thủ tướng nói.

TH19

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu