20:42 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ Việt kiều bị tố lừa đảo tại Quảng Nam: Câu chuyện “tiền hậu bất nhất” trong giới thiệu đầu tư

20:49 05/09/2021

(THPL) - Nhiều tài liệu thể hiện ông Nguyễn Tấn Khải đã sử dụng dấu của Công ty TNHH Đức Quang Khải nhận tiền, đại diện cho bà Vân ký hợp đồng EB5. Tuy nhiên, khi bị tố cáo, ông Khải kêu cứu cho rằng ông chỉ là người giới thiệu, tư vấn, dù có tài liệu khẳng định ông là thành viên công ty đứng ra nhận tiền đặt cọc của bà Vân.

Việt kiều Mỹ có thực sự “vô tư” trong giới thiệu đầu tư?

Trước đó, như Thương hiệu và Pháp luật đã phản ánh, năm 2018, dựa vào mối quan hệ trong kinh doanh, ông Nguyễn Tấn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải (có địa chỉ tại 36 Trần Nhật Duật, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) đã nhận của bà Từ Vân số tiền 600.000 đô la Mỹ (được quy đổi thành 4 mảnh đất tương đương 14 tỷ đồng) để giúp gia đình bà Vân tham gia đầu tư, định cư tại Hoa Kỳ.

Ngày 24/6/2018, tại bang Georgia, Hoa Kỳ, ông Khải đã sử dụng tên và con dấu Công ty TNHH Đức Quang Khải xác nhận đại diện bà Vân (bên B) ký biên bản đặt cọc chương trình EB-5 đang được thực hiện tại địa hạt Humphreys, thuộc tiểu bang Mississippi, Hoa Kỳ với nhà đầu tư (Bên A) của chương trình EB-5 là Công ty KVC Holdings LLC – Georgia, Hoa Kỳ. Đại diện của Bên A đứng tên ký kết là Vinh Tran, Công ty ONE BRIGHT LIFE LLC.

Đến ngày 17/12/2018, ông Khải tiếp tục sử dụng con dấu Công ty TNHH Đức Quang Khải xác nhận đã nhận đủ 14 tỷ đồng của bà Vân. “Đây là số tiền phí của chương trình EB-5 của 5 thành viên trong hộ gia đình bà Vân. Nếu chương trình EB-5 thất bại, tôi cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền nêu trên (không bao gồm phí luật sư)”, ông Khải cam kết trong giấy nhận tiền.

Đồng thời, qua hợp đồng cam kết Chương trình EB-5 do ông Khải thông tin tới một số cơ quan báo chí đều thể hiện vị Việt kiều này là người đại diện cho bà Từ Vân.

Vậy nhưng, ngày 09/08/2021, Sở KH&ĐT Quảng Nam đã có văn bản khẳng định: Công ty TNHH Đức Quang Khải do ông Nguyễn Tấn Khải làm người đại diện pháp luật kiêm giám đốc có địa chỉ 36 Trần Nhật Duật, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam không đăng ký hoạt động dịch vụ Visa hay Chương trình EB-5.

Trả lời của Sở KH&ĐT Quảng Nam khẳng định Công ty TNHH Công ty TNHH Đức Quang Khải không đăng ký hoạt động dịch vụ Visa hay Chương trình EB-5

Vừa qua, sau thời gian gần 4 năm, gia đình bà Vân vẫn chưa được đầu tư vào Hoa Kỳ theo Chương trình EB5. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Từ Vân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ hành vi của ông Khải. Lúc này, ông Khải cũng làm đơn kêu cứu gửi một số cơ quan. Trong đó, vị Việt kiều này luôn cho rằng bản thân mình chỉ là người giới thiệu, tư vấn.

Ngày 15/05/2020, tại bản ghi lời khai của VKSND tỉnh Quảng Nam, ông Khải luôn cho rằng chỉ là người giới thiệu. Tuy nhiên, theo phản ánh, chính tại bản ghi lời khai ngày 15/05/2020, ông Khải thừa nhận: “Tôi trực tiếp thực hiện dịch vụ chương trình dự án EB-5 Hoa Kỳ với bà Vân tại Việt Nam thông qua Văn phòng đại diện của Công ty US Catfirh Fams LLC tại Việt Nam là phù hợp với Luật đầu tư và pháp luật Việt Nam”. Còn bà Vân cho biết, ông Khải chưa từng hướng dẫn bà làm gì để chứng minh nguồn tiền, ngoài thu của bà 14 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo tài liệu bà Vân cung cấp cho cơ quan điều tra còn cho thấy, ông Khải là thành viên của Công ty ONE BRIGHT LIFE LLC (đơn vị đã đứng ra nhận cọc và là thành viên của chủ đầu tư dự án US Catfish Farm LLC).

Văn bản thể hiện ông Khải là thành viên của Công ty ONE BRIGHT LIFE LLC, đơn vị đứng ra nhận cọc tiền của bà Vân (ảnh hồ sơ bà Vân cung cấp).

Từ những thông tin này, dư luận đặt câu hỏi phải chăng ông Khải đã thừa nhận nhân danh với tư cách cá nhân để tiến hành dịch vụ chương trình EB-5 Hoa Kỳ tại Việt Nam chứ không phải chỉ là tư vấn. Vậy nhưng tại sao chính trong bản khai này, lúc thì ông nhận là người giới thiệu, lúc lại thừa nhận trực tiếp thực hiện dịch vụ, phải chăng đang có dấu hiệu “bất nhất”,  “phủi” trách nhiệm và “đánh lừa” các cơ quan chức năng? Không những thế, liệu ông Khải có “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, có thực “vô tư” không hề “trục lợi” khi lấy tư cách chỉ là người giới thiệu, tư vấn nhưng lại có tên là thành viên trong chính công ty mà ông có cổ phần để nhận tiền cọc?

Dấu hiệu bỏ qua hàng loạt các quy định

Bên cạnh đó, theo một số tài liệu được cung cấp, luật sư của bà Từ Vân đã cho biết, hiện tại Công ty US Catfish Fams LLC – Hoa Kỳ (chủ dự án EB-5 nơi bà Từ Vân có dự định đầu tư tại Hoa Kỳ) không có văn phòng đại diện và/hoặc chi nhánh hợp pháp tại Việt Nam. Không những thế, ông Khải không được Công ty US Catfish Fams LLC – Hoa Kỳ ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hoa Kỳ, và cũng không phải là người môi giới thương mại cho chương trình EB-5 Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vậy ông Khải lấy tư cách nào để sử dụng con dấu công ty của mình, ký hợp đồng, nhận tiền và chuyển sang Hoa Kỳ đầu tư, khi Sở KH&ĐT Quảng Nam khẳng định công ty này chưa đăng ký hoạt động dịch vụ Visa hay Chương trình EB-5?

Ngoài ra, theo thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tư vấn, hỗ trợ người làm hồ sơ Chương trình EB-5 đều khẳng định: “Các doanh nghiệp tại Việt Nam không được đại diện các trung tâm vùng ký, hay thay mặt khách hàng ký kết các hợp đồng với các dự án EB-5. Các doanh nghiệp cũng không được trực tiếp ký kết các hợp đồng đầu tư EB-5 với khách hàng tại Việt Nam”. Không những thế, để nhà đầu tư tham gia vào được Chương trình EB-5 thì còn phải làm thủ tục chứng minh nguồn tiền đầu tư hợp pháp và đã đáp ứng các nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các hồ sơ ông Khải cung cấp cho báo chí hoàn toàn chưa có những tài liệu này.

Đặc biệt, theo một số luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Trần Cao cho biết: Căn cứ theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ về việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn thực hiện kinh doanh chương trình EB5 của Chính phủ thì phải thực hiện các thủ tục pháp lý cơ bản sau đối với Nhà đầu tư nước ngoài khi chấp thuận tham gia vào chương trình EB5 gồm: Các bên tham gia chương trình EB-5 (gồm: tổ chức có pháp nhân Hoa Kỳ và/hoặc Luật sư Hoa Kỳ): Phải ký kết Hợp đồng tư vấn pháp lý 03 bên (gồm: Bên A - Mr. Nathan làm chủ dự án Hoa kỳ, Bên B là bà Ms. Olivia, Luật sư Hoa Kỳ và Bên C là Cơ quan di trú phụ trách Chương trình EB-5 hoặc được ủy quyền hợp pháp).

Sau khi 03 bên đã ký xong Hợp đồng tư vấn pháp lý: Các Luật sư Hoa Kỳ tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật Hoa Kỳ, luật liên quan đến chương trình EB5 và Luật Ngân hàng. Luật sư Hoa Kỳ sẽ tiến hành lập thủ tục mở tài khoản tại Ngân hàng FIRST IC BANK hoặc ngân hàng khác ở Hoa Kỳ để chuẩn bị tiếp nhận số tiền của các nhà đầu tư nước ngoài (từ tài khoản của nước sở tại) chuyển trực tiếp đến số tài khoản tại Hoa Kỳ.

Quy định là vậy tuy nhiên, hồ sơ ông Khải cung cấp cho báo chí hoàn toàn không có hợp đồng tư vấn pháp lý được ký 3 bên. Không những thế, thông qua các luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Trần Cao, Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam đã xác minh hồ sơ xin visa EB-5 của ông Nguyễn Tấn Khải số 1809/CV làm cho gia đình bà Vân. Ngày 10/3/2019, Trung tâm này đã có văn bản do giám đốc ký khẳng định hồ sơ do ông Khải thực hiện có nhiều thông tin không có thực.

Chủ tịch Trung tâm Thương mại Việt – Mỹ, Joseph Nguyễn còn cho biết: Chữ ký của luật sư Olivia Orza thuộc Công ty Luật di trú toàn cầu Oraza (luật sư được Hoa Kỳ chấp thuận được tham gia Chương trình EB-5 theo quy định của Hoa Kỳ- PV) trên bản hợp đồng thoả thuận ông Khải đưa cho bà Vân ký vào ngày 13/08/2019 không phải chữ ký của luật sư Olivia Orza.

Trong khi đó, điểm đ, khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư 2014 đã quy định: Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Như vậy, không những ông Khải có dấu hiệu không tuân thủ pháp luật Việt Nam mà còn “bỏ qua” các luật định của Hoa Kỳ?

Ông Khải ký tên và sử dụng con dấu của Công ty TNHH Đức Quang Khải để ký biên bản đặt cọc

Liên quan đến những thông tin này, ông Khải trả lời trên báo cho rằng đây là hoàn toàn là do bà Vân dựng lên để vu khống, hoàn toàn không có thật, bị làm giả. Tuy nhiên, các luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Trần Cao khẳng định ông Khải nói không đúng. Những tài liệu chứng cứ thu thập này là hoàn toàn trung thực, chính xác, đã được gửi tới các cơ quan điều tra, tố tụng. Hiện các hồ sơ này vẫn đang được luật sư giữ bản gốc và sẵn sàng chịu trách nhiệm về tính xác thực.

Trước sự việc này, dư luận mong rằng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam sớm phục hồi điều tra, kiến nghị khởi tố vụ án nhằm làm sáng tỏ vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, ngăn chặn kịp thời sự việc tương tự có thể xảy ra với những người khác, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội về môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Nam và để lại nhiều hệ lụy lâu dài về sau.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu