23:16 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Nam: Việt kiều Mỹ có chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài trái quy định?

Nhóm PV | 15:58 01/09/2021

(THPL) - Với danh nghĩa là người đại diện, sử dụng con dấu, chữ ký của Công ty TNHH Đức Quang Khải, ông Nguyễn Tấn Khải đã chuyển 600.000 đô la Mỹ của bà Từ Vân dưới dạng đầu tư sang Hoa Kỳ. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của việc làm này.

Đáng ngờ số tài khoản tại Hoa Kỳ ?

Như Thương hiệu và Pháp luật đã đăng tải một số bài viết phản ánh, ngày 29/7/2018, ông Khải và bà Vân đã ký Bảng cam kết thoả thuận làm thủ tục đầu tư định cư tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5. Tại văn bản này, ông Khải yêu cầu bà Vân nộp chi phí là 600.000 USD cho ông Khải.

Đến ngày, 17/12/2018, ông Nguyễn Tấn Khải tiếp tục sử dụng con dấu Công ty TNHH Đức Quang Khải ký nhận đủ 14 tỷ đồng (tương đương 600.000 đô la Mỹ) của bà Từ Vân để giúp làm thủ tục đầu tư, định cư theo chương trình EB-5.

Giấy xác nhận đã nhận đủ 600.000 đô tương đương 14 tỷ đồng của ông Khải đối với bà Vân

Trước đó, ngày 24/6/2018, tại bang Georgia, Hoa Kỳ, Công ty TNHH Đức Quang Khải đã ký xác nhận đại diện bà Vân (bên B) vào biên bản đặt cọc có nội dung “được sự ủy quyền của bên A (bà V.-PV), bên B (ông Khải-PV) ứng trước 300.000 USD là tiền cọc” với nhà đầu tư (Bên A) của chương trình EB-5 là Công ty KVC Holdings LLC – Georgia, Hoa Kỳ.

Đặc biệt, theo tài liệu phía ông Khải cung cấp thông tin cho báo chí cho thấy: Ngày 25/07/2018, tại khách sạn Bàn Thạch, Tam Kỳ, Quảng Nam, ông Khải đã ký với tư cách người đại diện bà Từ Vân chuyển 100.000 đô cho ông Nathan. Tiếp đến, ngày 17/10/2019, ông Nathan Park (sau đây xin gọi tắt là Nathan) đã ký văn bản gửi đến các cơ quan hữu quan xác nhận, ngày 17/10/2018, phía ông đã nhận được 600.000 đô la Mỹ cho tiền góp vốn của bà Vân và dự án EB-5 từ khoản US Bank của bà.

Thư trả lời xác nhận đã nhận đủ tiền của ông Nathan đối với số tiền 600.000 đô

Theo các tài liệu các bên cung cấp cho thấy, ngày 8/7/2018, bà Từ Vân đã có tên tại tờ khai mở tài khoản tại Ngân hàng First Intercontinental Bank (thuộc Hoa Kỳ). Đáng chú ý ngoài tên được in trong tờ khai hoàn toàn không có chữ ký cá nhân của bà Vân. Về những thông tin này, theo phản ánh, bà Vân cho rằng bản thân chưa từng qua Hoa Kỳ để cùng mở tài khoản nào với ông Khải cả.

Tài khoản ngân hàng tại Hoa Kỳ được cho là của bà Từ Vân        

Dấu hiệu “bỏ qua” hàng loạt quy định của pháp luật Việt Nam ?

Đáng chú ý, trong rất nhiều tài liệu ông Khải thông tin tới báo chí đều thể hiện bà Từ Vân với tư cách là nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài do ông Khải là đại diện, cả 2 đều có quốc tịch Việt Nam (riêng ông Khải có cả quốc tịch Hoa Kỳ). Đồng thời, theo phản ánh thời điểm bà Vân, ông Khải ký kết các giấy tờ liên quan đến đầu tư đều thực hiện tại Việt Nam vì vậy phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư, chuyển tiền ra nước ngoài.

Đối chiếu với Điều 64 của Luật Đầu tư 2014 có quy định: Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng một trong các điều kiện là phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại bà Vân hoàn toàn chưa được các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong các quy định của Luật Đầu tư 2014 cho thấy, ông Khải làm đại diện cho bà Vân để thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài thì còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định như: Có tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài; Thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong khi đó, Điều 63 của Luật đầu tư 2014 quy định về việc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài đã nêu rõ: Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Tại Điều 53, Luật Đầu tư 2014 còn quy định: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Việc vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, về các tổ chức tín dụng, về quản lý ngoại hối.

Đối với thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Điều 10, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định: Nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 16 của Thông tư số 12/2016 quy định nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ trước đầu tư có nêu: Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của nhà đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chỉ được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản ngoại tệ trước đầu tư mở tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép.

Đặc biệt, theo khoản 4, Điều 19, Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài cho thấy: Hạn mức chuyển ngoại tệ để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Qua các quy định này có thể thấy, ông Khải chuyển số tiền 600.000 đô của bà Vân (đều là công dân Việt Nam) ra nước ngoài đầu tư thì phải mở tài khoản tại Việt Nam, đăng ký giao dịch ngoại hối với Ngân hàng Nhà nước và chỉ được phép dùng tài khoản này để sử dụng trước hay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, số tiền chuyển không được vượt quá 300.000 đô để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư.

Vậy nhưng, theo phản ánh, bà Vân hoàn toàn chưa được Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ chấp thuận cho việc đầu tư, định cư theo chương trình EB5 nhưng ông Khải đại diện cho bà Vân đã thực hiện chuyển tới 600.000 đô của bà Vân sang Hoa Kỳ. Trong khi đó, số tiền này cũng hoàn toàn không được thực hiện qua một tài khoản vốn được mở tại Việt Nam, có đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện giao dịch ngoại hối ra nước ngoài.

Song, theo ông Khải phản ánh, bà Vân đã có tài khoản đầu tư tại Hoa Kỳ. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi ông Khải lấy căn cứ nào để đại diện bà Vân chuyển số tiền 600.000 đô (tương đương tài sản là 4 lô đất khoảng 14 tỷ đồng) ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ? Liệu vị Việt kiều này vô tình hay cố ý quên rằng, bản thân ông có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng đây là số tiền của bà Vân (ông đang nhận chuyển hộ) đang có quốc tịch Việt Nam và bản thân ông cũng đang là 1 công dân Việt Nam?

Không chỉ có vậy, theo tài liệu ông Khải cung cấp còn thể hiện ngày 24/06/2018 đã chuyển 300.000 đô vào tài khoản công ty One Bright Life LLC cho bà Vân đầu tư EB5. Đến ngày 10/12/2018, ông Khải tiếp tục ký một tấm séc xác nhận đã chuyển 500.000 đô vào tài khoản của Ngân hàng First Intercontinental Bank tại Hoa Kỳ. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng Việt kiều Mỹ đang có dấu hiệu vi phạm các điều cấm trong Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012.

Bởi khoản 4, Điều 7 Luật số 07/2012/QH13 quy định về phòng chống rửa tiền có nếu các hành vi bị cấm: Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác. Trong trường hợp này, ông Khải đã ký liên tiếp ký các tấm séc để thanh toán hộ cho bà Vân đầu tư vào EB5 tại một địa điểm ngoài lãnh thổ Việt Nam?

Các tấm séc có chữ ký của ông Khải xác nhận đã chuyển tiền của bà Vân ra nước ngoài

Liên quan đến việc chuyển tiền đầu tư vào dự án EB-5, trả lời báo chí ông Đặng Quang Vinh - Giám đốc Công ty Khai phú Investment and Migration, một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tư vấn, hỗ trợ người làm hồ sơ Chương trình EB-5 cũng cho rằng: Sau khi tìm kiếm dự án và trung tâm vùng được USCIS cấp phép kêu gọi vốn cho Chương trình EB-5, nhà đầu tư sẽ được cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng của dự án mà mình chuẩn bị đầu tư tại Mỹ. Toàn bộ chi phí đầu tư phải được nhà đầu tư nộp trực tiếp vào tài khoản này, chứ không giao trực tiếp cho các nhân tại Việt Nam hay luật sư. Việc nộp tiền một lần hay nhiều lần tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Dù có dấu hiệu bỏ qua hàng loạt các quy định về việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài nhưng khi trả lời một số cơ quan báo chí, ông Khải vẫn một mực khẳng định, ông chỉ là người tư vấn giới thiệu cho bà Vân thực hiện công việc của mình chứ không lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bà Vân.

Trước hàng loạt các dấu hiệu bất thường nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam sớm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ sự việc này.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này đến bạn đọc.

Nhóm PV

TAG: THPL
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu