14:21 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu thuỷ sản sang Na Uy

10:17 01/03/2023

(THPL) - Việt Nam vốn là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, nhưng hàng năm kim ngạch xuất khẩu vào Na Uy còn rất khiêm tốn. Do đó, đây vẫn là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu.

Chiều ngày 28/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản”.

Hội thảo nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản. Đây cũng được kỳ vọng là diễn đàn để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp, cơ hội thiết thực để đẩy mạnh hợp tác nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển xanh hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới, trong đó các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt.

Tại hội thảo, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad cho biết, xuất khẩu thủy sản Na Uy đứng thứ hai trên thế giới và Việt Nam đứng thứ ba. "Chúng ta đang là những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng không vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, thực tế là chúng ta bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi" - ông Erling Rimestad nói.

Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu thuỷ sản sang Na Uy. Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Phùng Đức Tiến cho hay, ngành thủy sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng những thành tựu nổi bật của giai đoạn trước cùng với việc chủ động tháo gỡ các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đến năm 2022, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ước năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021; tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển là một trong những định hướng then chốt của Việt Nam trong những thập kỷ tới. "Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng thảo luận, trao đổi và cụ thể hóa các cơ hội hợp tác mà Việt Nam và Na Uy đã đề cập trong Ý định thư - tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành công nghiệp nuôi biển" - ông Tiến nói.

Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp. Việt Nam cũng đang có lợi thế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và quyết tâm khai thác tiềm năng, sử dụng có trách nhiệm và bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Trong khi đó, Na Uy là quốc gia có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn. Vì vậy, thông qua việc hợp tác cùng nhau, hai bên có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy đạt khoảng 10 triệu USD nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 260 triệu USD để nhập khẩu thủy sản. Do đó, Việt Nam mong muốn Na Uy tạo điều kiện để có nhiều hơn nữa sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất sang.

"Nuôi trồng thủy sản biển, Việt Nam vẫn còn một số bất cập về cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn và đặc biệt là công nghệ nuôi nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Đề nghị Na Uy hỗ trợ ngành nuôi biển của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt mong muốn Na Uy hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật nuôi biển" - ông Nam kiến nghị.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu