06:07 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam có nhiềm tiềm năng thu hút các nhà sản xuất chíp thế giới

15:22 06/09/2022

(THPL) - Hiện Việt Nam đang là điểm đến mới của hàng loạt doanh nghiệp cần đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Nhiều tập đoàn đa quốc gia tiếp tục chọn Việt Nam là nơi đầu tư hấp dẫn. Đáng chú ý trong đó ngày càng có nhiều tập đoàn công nghệ cao.

Theo báo Thanh niên, cuối tháng 8 vừa qua, tờ Nikkei Asia đưa tin Công ty Synopsys (Mỹ) thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm.

Đây là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chíp. Synopsys có 2 văn phòng tại TP.HCM và hai tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên. Công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm khoảng 300 - 400 người nữa.

Theo Nikkei Asia, động thái mới nhất của Synopsys là một điều đáng hoan nghênh đối với Việt Nam. Các nhà sản xuất như Apple và Panasonic đang mở rộng quy mô tại Việt Nam, nhưng tăng trưởng trong ngành công nghiệp chíp vẫn còn tương đối chậm cho đến khi Intel và Samsung bắt đầu thu hồi vốn đầu tư cách đây 2 năm.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á, cho biết thông qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), chẳng hạn như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, và sau đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành.

Việt Nam có nhiềm tiềm năng thu hút nhà sản xuất chíp thế giới. Ảnh minh hoạ

Trước đó vào đầu tháng 8, tại buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Roh Tae-moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), cho biết 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỉ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỉ USD, đầu tư thêm 3,3 tỉ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên. Đồng thời, Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D của Tập đoàn Samsung không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều tập đoàn sản xuất đòi hỏi công nghệ cao. Theo trang Retail News, tập đoàn Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam bằng cách đưa nhiều doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung cấp.

"Chúng tôi thực sự muốn được làm việc trực tiếp với các công ty Việt Nam nhưng các doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", ông Michael Nguyễn - Tổng Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết.

Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp FDI có liên quan trong sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn đặt chân vào Việt Nam. Chẳng hạn đầu năm nay, Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD. Công ty này sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các đối tác chiến lược là những công ty điện tử hàng đầu như Qualcomm, Samsung, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix. Dự án dự kiến vận hành vào cuối năm 2023.

Trang Vietnam Briefing có bài viết "Tại sao Việt Nam trở thành lựa chọn đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu Á". Theo đó, lực lượng lao động có kỹ năng và chi phí thấp, cơ sở hạ tầng ổn định, môi trường an toàn và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là những gì các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách tin cậy, nhất quán về vấn đề giấy phép lao động, trong đó có giấy phép lao động cho chuyên gia, thời gian lưu trú, đảm bảo sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng và tăng trưởng sẽ được duy trì trong những tháng tới".

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài ổn định, các tập đoàn lớn tăng cường chuyển dịch các chuỗi cung ứng sang Việt Nam là những minh chứng cho chính sách kinh tế linh hoạt của chính phủ, đồng thời cho thấy triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu