09:02 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

09:25 17/06/2022

(THPL) - Tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan. Đáng chú ý, sau 5 tháng, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 16,7%. 5 tháng năm 2022, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Báo VTV News đưa tin, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 5 tháng tăng. Trong đó, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của các doanh nghiệp nội và các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang dần được nối lại. Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn như giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Hơn nữa, một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5. Cùng đó, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa...

Việt Nam có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Ảnh minh họa

Báo Tin tức cho hay, thời gian tới ngành Công Thương cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao….

Đặc biệt, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hoá đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoả động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá...

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu