10:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam chi gần 900 triệu USD nhập khẩu rau quả trong nửa đầu năm 2022

10:28 28/07/2022

(THPL) - Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi tới 884,3 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Báo VietNamNet đưa tin, trái cây nhập khẩu những ngày này được chất đống trong siêu thị, cửa hàng, tràn ra cả chợ truyền thống và được rao bán la liệt khắp “chợ mạng”. Đáng nói, nhiều loại trái cây nhập khẩu có giá vô cùng rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/1kg.

Đơn cử, tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội đang có bán tới 13 loại táo nhập khẩu từ các nước. Song, chỉ 4 loại được niêm yết với giá bán trên 50.000 đồng/kg, còn lại đều có mức giá dao động từ 40.000 đồng đến dưới 50.000 đồng/kg.

Tương tự, kiwi được bán với giá từ 80.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại, nho Chile 70.000-80.000 đồng/kg, cam Úc giá 65.000 đồng/kg, cam Ai Cập giá cũng chỉ 50.000 đồng/kg…

Theo anh Trần Văn Thái, chủ một cửa hàng trái cây ở phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), có nhiều loại trái cây nhập khẩu giá vẫn khá cao, lên tới trên 200.000 đồng/kg, hoặc đắt đỏ hơn. Nhưng cũng có loại giá tương đối rẻ. Thậm chí, so với mặt bằng trái cây Trung Quốc, giá trái cây nhập từ Chile, New Zealand, Nam Phi, Úc, Mỹ,... dịp này còn rẻ hơn.

Việt Nam chi gần 900 triệu USD nhập khẩu rau quả trong nửa đầu năm 2022. Ảnh minh họa

Tại thị trường hoa quả nội địa, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng của hầu hết các loại trái cây đều có xu hướng tăng, như xoài đạt 590,6 nghìn tấn, vải 170 nghìn tấn, nhãn 183,9 nghìn tấn, dứa 426,7 nghìn tấn, cam 490,8 nghìn tấn, bưởi 282,8 nghìn tấn, chôm chôm 188,3 nghìn tấn, chuối 1.292 nghìn tấn… Riêng thanh long sản lượng đạt 606,8 nghìn tấn, giảm 7,4%.

Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay đạt gần 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc (khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu) giảm tới 34%.

Báo Đầu tư cho hay, những quy định phòng chống dịch hà khắc với chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã khiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này có mức tăng trưởng thấp nhất trong số các thị trường chủ lực của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022.

Nếu xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,7% so với cùng kỳ, EU tăng 22%, ASEAN tăng 27,4%, Hàn Quốc tăng 18,5%, Nhật Bản tăng 13,9%, thì tăng trưởng sang Trung Quốc chưa tới 7%. Ngành hàng có mức sụt giảm xuất khẩu mạnh nhất là rau quả giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt 800 triệu USD.

Do Trung Quốc là thị trường chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả bị sụt giảm, đã kéo xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 1,677 tỷ USD, “hụt hơi” khoảng 500 triệu USD (tương đương giảm 18%), xuất khẩu gạo giảm 26%, đạt 229 triệu USD, hạt điều giảm 38%, còn 181 triệu USD.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhu cầu tiêu thụ trái cây ở nước ta khoảng 68-70 kg/người/năm. Với dân số hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch tạo ra sức tiêu thụ rất lớn, các địa phương không nên bỏ qua thị trường tiềm năng này.

Song ông cũng nhấn mạnh, ngay cả khi bán ở thị trường nội địa cũng phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, như vậy mới có người mua và cạnh tranh được với trái cây nhập khẩu.

Các chuyên gia trong ngành nhận xét, nhiều đơn vị chỉ chú trọng xuất khẩu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít quan tâm tới thị trường nội địa. Trong khi, trái cây nhập khẩu phong phú về chủng loại, giá cả không đắt hơn nhiều, hình thức lại bắt mắt nên thu hút người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu