17:40 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

09:32 25/06/2023

(THPL) - Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách vừa đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. Trong đó, kịch bản cao nhất GDP đạt 6,5%, CPI khoảng 4,2%.

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023.

Theo đó, tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023. Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 là 6,5%.

Với kịch bản thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI bình quân của năm khoảng 4%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Ở kịch bản thứ hai khi tốc độ tăng trưởng GDP khi đó đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%, sẽ ít khả năng hơn nhưng cũng có thể xảy khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả

Còn kịch bản thứ ba có khả năng thấp khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn không những sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

VEPR dự báo, ở kịch bản cao nhất GDP của Việt Nam đạt 6,5%, CPI khoảng 4,2%. Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, quý I/2023, GDP của Việt Nam lại tăng trưởng rất thấp với 3,32%, do đó các chuyên gia kinh tế dự báo, với kịch bản lạc quan nhất khi tăng trưởng các quý còn lại là rất tốt, và trong điều kiện các nền kinh tế phát triển trên thế giới dần phục hồi trở lại, thì có thể tăng trưởng thực tế của Việt Nam năm 2023 sẽ cao hơn 0,1%-0,5% các dự báo đầu năm theo như độ lệch dự báo hàng năm của các tổ chức, tức là khả quan nhất là cán mục tiêu 6,5% của Chính phủ đề ra. Còn trong điều kiện vẫn còn rất khó khăn cả trong lẫn ngoài, thì sẽ thấp hơn so với mục tiêu chính phủ từ 0,5-1%.

Đánh giá về các kịch bản tăng trưởng được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Trong bối cảnh xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp – đều là những động lực tăng trưởng của Việt Nam nhưng lại đang có tốc tăng trưởng âm, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp, thì dự báo tăng trưởng trong năm 2023 được VEPR đưa ra là khá lạc quan.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng cho thấy, hơn 97% doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) phản ánh năng suất và hiệu quả sản xuất của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đồng thời tốc độ tăng TFP cũng không cao.

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đình Cung, xét về doanh nghiệp, chưa bao giờ khu vực doanh nghiệp thiếu động lực tăng trưởng như hiện nay. Do đó, điều này cũng tác động đến kết quả tăng trưởng trong năm 2023.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng thừa nhận, khu vực doanh nghiệp trong nước hiện cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do yếu kém trong liên kết, khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, lao động, tự chủ nguyên liệu đầu vào…Trên cơ sở đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thiết kế đúng và trúng hơn. Cùng với đó, cần có những chính sách liên kết khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước với nhau. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tính độc lập tự chủ trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

Văn Nam (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu