07:32 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vân Đồn, Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì một dự án… trên trời!?

Ngọc Tân | 10:01 17/07/2021

(THPL) - Những ngư dân ở làng chài Đông Hà, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cha ông để lại từ hàng trăm năm nay. Nhưng bỗng một ngày, chính quyền địa phương gửi thông báo lấy đất của dân để làm dự án. Cuộc sống yên ổn suốt bao năm qua của những người dân làng chài hiền hậu, chất phát bỗng nhiên bị xáo trộn, chất chồng khó khăn.

Vì đâu nên nỗi?

Theo đơn thư phản ánh của các hộ gia đình thôn Đông Hà: Cộng đồng dân cư làng chài Đông Hà đã sinh sống ở đây hơn 100 năm. Trước kia vùng đất này toàn sỏi đá, sú vẹt và mênh mông nước biển. Căn cứ vào chủ trương của Nhà nước, người dân khai hoang lập địa, dựng nhà, đánh bắt cá để kiếm sống. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, biết bao người dân địa phương đã bỏ lại một phần xương máu. Mặc dù vậy, người dân làng chài vẫn sẵn sàng bám đất, bám biển để phát triển kinh tế và giữ gìn mảnh đất cha ông để lại, lập lên làng chài Đông Hà khang trang, bề thế như hiện nay.

 Cuộc sống đang yên ổn, đến khoảng giữa năm 2018, chính quyền địa phương bỗng gửi thông báo sẽ lấy đất của dân để làm dự án. Cụ thể, UBND huyện Vân Đồn giao cho Phòng Kinh tế & Hạ tầng và các công ty tư vấn thiết kế thuyết trình kế hoạch lấy phần đất của thôn giao lại cho doanh nghiệp làm dự án.

Trong các lần đối thoại với người dân địa phương, rất nhiều lần 100% ý kiến của gần 200 hộ dân đã không đồng ý việc lấy đất của họ để làm dự án. Người dân đề UBND huyện lập quy hoạch mở rộng ra hướng biển, không lập dự án vào phần đất của cộng đồng dân cư. Nhưng sau rất nhiều lần kiến nghị, UBND huyện Vân Đồn vẫn không hề có phản hồi gì với người dân. Việc này đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng và luôn sống trong tâm lý hoang mang lo lắng, bởi mảnh đất cơ nghiệp của mình có thể bị mất.

Đơn kiến nghị người dân gửi tới chính quyền các cấp

Bác Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Đông Hà cho biết: “Dòng họ nhà tôi đã 3 đời sinh sống ở đây. Sau khi Nhà nước khuyến khích, chủ trương động viên dân khai sông, lấn biển để làm ăn sinh sống, hết đời bố đến đời con dòng họ Nguyễn đội thúng đất rồi kéo xe bò đổ lên để dựng nhà, nuôi trồng thủy hải sản sinh sống đến tận bây giờ… Năm 2018, không hiểu đầu cua tai nheo thế nào huyện lại gọi người dân lên họp thông báo thu hồi đất. Họp lên, họp xuống bao nhiêu lần nhưng nhất loạt người dân trong thôn đều không hưởng ứng.”

 Bác Quỳnh chia sẻ, nếu Nhà nước thu hồi đất để làm công trình phúc lợi, hay quân sự, xây dựng trường học thì họ sẵn sàng chấp nhận, thậm chí còn hiến thêm đất. Đằng này họ lại cấu kết với các doanh nghiệp lấy đất của dân để xây dựng nhà cửa, trung tâm thương mại, khách sạn… nên mọi người đều kịch liệt phản đối. Người dân cho rằng đây thực chất là kinh doanh bất động sản.

 Trả lại sự bình yên cho ngư dân

 Vừa chỉ cho chúng tôi xem khu vực bãi đầm nuôi hàu, tu hài bị cày nát của mình, anh Nguyễn văn Phải (thôn Đông Hà) bùi ngùi chia sẻ: Gia đình anh ở đây từ năm 1962. Khi đó khu vực này chỉ toàn bờ sông, bãi suối và xung quanh là rừng cây bao phủ. “Bao nhiêu công khai hoang lấn biển, xây dựng cơ nghiệp, vay vốn ngân hàng nuôi trồng hải sản sinh nhai. Mấy năm nay dịch bệnh triền miên hải sản chết hàng loạt cộng thêm với đại dịch Covid-19, hải sản không tiêu thụ được. Gia đình anh phải cầm cố nhà cửa vay vốn ngân hàng và đang gồng mình đóng lãi giữ lại nhà cửa cho các con có chỗ ăn chỗ ở được cắp sách đến trường. Nếu huyện lấy đất với giá đền bù rẻ mạt không đủ trả tiền cho ngân hàng người dân sẽ mất nhà cửa. Anh Phải ngậm ngùi: “Thà cứ để vậy gia đình tôi chịu khó lao động đóng lãi thì còn giữ được nhà còn có chỗ chui ra chui vào…”

 Cũng đi vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Thê cũng phải thế chấp nhà cửa. Giờ dự án triển khai, ngư dân không chỉ bị mất diện tích nuôi trồng mà còn thiệt đơn, thiệt kép vì bao nhiêu tiền của và sức lực và hy vọng đã đổ hết vào đó. “Có gia đình thiệt hại tiền tỷ, mà toàn vốn vay ngân hàng, họ biết trông vào đâu? Không chỉ có vậy, ngư dân cũng không còn chỗ để neo đậu tàu thuyền, tránh gió bão. Đường vào thôn thì bụi cát mù mịt. Những hôm trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, đi lại rất khó khăn…” anh Thê chia sẻ.

 Đã gần 3 năm trôi qua, những ngư dân chất phát như bác Quỳnh, anh Phải, anh Thê đã phải sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Nỗi lo mất mảnh đất cắm dùi cha ông để lại. Và thực tế ngay trước mắt là nỗi lo mất công ăn việc làm, kế sinh nhai và nợ nần chồng chất… Với đôi mắt ngấn lệ, anh Thê thẽ thọt: “Là những người dân thấp cổ bé họng, chúng tôi chỉ mong muốn Ủy ban huyện hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để người dân bớt khó khăn chồng chất”.

Khu đất được cho là chuẩn bị triển khai dự án 

Người dân cho biết, suốt 3 năm nay, để thực hiện dự án, các doanh nghiệp đã đào đất làm đường, hút cát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Toản (thôn Đông Hà) bức xúc cho hay: “Họ còn lấy cả bãi nuôi của người dân mà không hề có bồi thường, đẩy chúng tôi vào cảnh nợ nần, không kế sinh nhai. Trong khi đó, chúng tôi phải vay thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng, vay tiền nọ tiền kia, thế mà đến đây cứ xúc đất xúc cát mà lạch cát hay xúc cát đi bán thì chúng tôi cũng không hiểu. Thế nên chúng tôi chỉ biết nhờ các cấp, các ngành trên giải quyết, xem xét cho chúng tôi để người dân nơi đây ổn định đời sống, sinh hoạt…”

 Bộn bề bao nỗi lo, nhưng có một thực tế nữa là, trong ba năm dự án treo, khi người dân trong thôn đi thế chấp đất để vay ngân hàng thì đều không được. Người dân cho biết, phía ngân hàng trả lời rằng tài sản mà họ đem đi thế chấp đã nằm trong quy hoạch dự án. Không thể vay ngân hàng. Khó khăn cứ chồng chất khó khăn trên vai những ngư dân làng chài.

 Theo người dân thôn Đông Hà, Dự án Khu đô thị tại Phân khu 1, phân khu 2, phân khu 3, thuộc Phân khu Cái Rồng trên địa bàn thôn Đông Hà hiện mới được Công ty Thống Nhất trình văn bản xin khảo sát địa điểm, chưa có các văn bản tiếp theo. UBND tỉnh Quảng Ninh chưa lựa chọn nhà đầu tư. Vậy tại sao Công ty Thống Nhất đã coi như được giao đất và đã tiến hành đổ đất san lấp. Người dân thôn Đông Hà đang đặt gia nhiều nghi vấn về điều bất thường này và cần có câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan hữu quan.

Ngọc Tân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu