09:43 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Úc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua

Thảo Nguyên (tổng hợp) | 21:05 04/10/2022

(THPL) - Ngày 27/9, Cục Sở hữu trí tuệ của Úc (IP Australia) đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đối với 3 nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trị).

Theo báo Tuổi trẻ, trước đó, ngày 22/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ của Úc (IP Australia) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu "Gạo; Gạo ngon nhất thế giới - Rice; Best Rice of The World" ST24, ST25 của công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD.

Ngay sau đó, vào tháng 5/2021, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã thông tin và gửi công hàm tới IP Australia phản đối về việc đăng ký thương hiệu gạo ST24 và ST25 của công ty T&L.

Theo kế hoạch của IP Australia, ngày 11-9-2022 là thời hạn công bố trạng thái cấp phép đăng ký thương hiệu đối với gạo ST24 và ST25 của công ty T&L.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống gạo ST24, ST25

Mới đây, trên trang chủ của mình, IP Australia đã thay đổi trạng thái về tình trạng vụ việc sang "Hết hiệu lực/Không bảo vệ - Lapsed/Not Protected". Điều này có nghĩa là việc đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 "Rice; Best Rice of The World" của Công ty T&L đã không được chấp nhận.

Đồng thời, Văn phòng IP Australia cũng thông báo, ba nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua (Ho Quang Tri Private Enterprise) đối với gạo ST24 và ST25 đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước này vào ngày 27/9/2022.

Chuyên gia nhãn hiệu Ngân Trần, công ty Maygust Trademark Attorneys, Úc cho biết, theo luật nhãn hiệu của Úc, nhãn hiệu sẽ chính thức có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn đăng ký.

Theo đó, ba nhãn hiệu đối với gạo ST24 và ST25 mà kỹ sư Hồ Quang Cua đăng ký tại Úc có hiệu lực ở nước này từ ngày 7/6/2021 đến 7/6/2031. Sau đó chủ đơn nếu có nhu cầu sử dụng vẫn có thể gia hạn thêm 10 năm nữa mà không giới hạn số lần gia hạn.

Cuối năm 2021. EU và Vương quốc Anh cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu "gạo ông Cua ST24" và "gạo ông Cua ST25".

Từ câu chuyện của gạo ST24 và ST25 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin bảo hộ các sản phẩm của mình tại những thị trường có nhu cầu là việc làm hết sức cần thiết. Bởi những chi phí ban đầu chắc chắn sẽ không thể so sánh được với việc nếu nhãn hiệu bị cướp mất. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp của Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường này.

Vấn đề ở đây, các doanh nghiệp cần chú ý, với việc bảo hộ nhãn hiệu, tuân theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là, nếu doanh nghiệp đã có đăng ký bảo hộ ở Việt Nam không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở các thị trường khác như: Mỹ, Úc,… Do vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam không chỉ cần được quan tâm ở trong nước mà còn cần quan tâm làm các thủ tục để bảo hộ tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường trọng điểm có xuất khẩu các sản phẩm này.

Đây cũng là vấn đề rất cần thiết khi Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, tuân thủ theo các nguyên tắc của “sân chơi lớn” và đặc biệt để bảo vệ cho sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam, đã tạo được tiếng vang trên thị trường thế giới.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu