17:19 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Trong 1 ngày, gần 47.000 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19

08:54 24/04/2021

(THPL) - Có gần 47.000 người Việt Nam được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 23/4/2021. Đây là con số tiêm chủng kỷ lục trong 1 ngày tính đến thời điểm hiện tại.

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, tính đến 16 giờ ngày 23/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 176.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an và quân đội. Riêng trong ngày 23/4, có thêm 46.937 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 26 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

176.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được tiêm vắc xin

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19. Bộ Y tế khẳng định, giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin là biến cố nặng hiếm xảy ra, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Theo Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin thường xuất hiện từ 4 – 28 ngày sau tiêm với các biểu hiện như: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khư trú; co giật (gợi ý đột quỵ); khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Đặc biệt, bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.

Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, doppler mạch, vị trí có biểu hiện lâm sàng như bụng, chi... có thể phát hiện xuất huyết khối. Chụp X-quang, cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ tại vị trí nghi ngờ hoặc có biểu hiện lâm sàng như não, phổi, vị trí đau, phù... phát hiện các vị trí huyết khối hoặc chảy máu.

Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, tại cơ sở y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện, cần theo dõi người tiêm vắc xin COVID-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên cần chuyển người sau tiêm vắc xin COVID-19 lên tuyến cao hơn và xử trí cấp cứu bệnh nhân nếu có.

Tại các bệnh viện tuyến huyện/quận, người tiêm vắc xin COVID-19 nếu xuất hiện một trong các triệu chứng: đau đầu dai dẳng, đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết da thì cần thực hiện các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm đông máu cơ bản, các thăm dò khác như siêu âm, Xquang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân. Nếu có biểu hiện bất thường thì chuyển người sau tiêm vắc xin lên tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.

Với người tiêm vắc xin có triệu chứng đau đầu dữ đội, các triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, khó thở đau ngực, chảy máu xuất huyết đe dọa tính mạng cần chuyển lên tuyến cao hơn.

Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố, cần làm các xét nghiệm theo yêu cầu, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có thể gặp theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ  Y tế. Nếu vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến theo quy định.

Các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tương đương hạng I, hạng đặc biệt tiếp nhận những người tiêm vắc xin có biến chứng nặng, tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần thiết...

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, Báo Tiền Phong dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo về việc dịch COVID-19 tại một số nước láng giềng đang tăng mạnh, Việt Nam kiểm soát dịch thành công trong thời gian dài, nhưng người dân bắt đầu chủ quan dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch, nhất là khi tình trạng nhập cảnh trái phép còn phức tạp và sắp đến kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Trong ngày 23/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 10 tỉnh giáp biên giới Campuchia (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang).

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, một số nước lân cận có sự gia tăng mạnh về số ca mắc COVID-19. So với số lượng thực tế, lượng người nhập cảnh trái phép được phát hiện còn hạn chế và khó khăn nhất hiện nay là kiểm soát bên trong lãnh thổ. Số người vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở rất khó kiểm soát và chỉ cần bỏ lọt một trường hợp mắc COVID-19 sẽ để lại hậu quả khôn lường, nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng hoàn toàn có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các địa phương có biên giới giáp Campuchia cần siết chặt các quy định về phòng, chống dịch trên từng địa bàn, trong đó quan trọng nhất là ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép bằng đường bộ và đường biển. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành kêu gọi người dân về nước bằng tàu cá đã xuất bến và không thể quay về Campuchia hãy khai báo với cơ quan chức năng. Đồng thời, các địa phương phải có phương án đón tiếp, thực hiện biện pháp cách ly theo quy định.

Anh Tú (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu