08:03 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Trái bưởi Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ

08:32 15/10/2022

(THPL) - Trái bưởi của Việt Nam đã chính thức được Mỹ đồng ý cho xuất khẩu vào quốc gia này, trở thành loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Thông tin trên được ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cung cấp tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ NN&PTNT với tỉnh Bến Tre.

Theo đó, ông Thiệt cho biết, Mỹ đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu quả bưởi sang thị trường này. Dự kiến vào đầu tuần sau, cụ thể là ngày 17/10, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng với APHIS (Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ) sẽ làm lễ để chính thức công bố Nghị định thư Mỹ đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu bưởi sang thị trường này. Lô hàng bưởi xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên sẽ do Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) thực hiện.

Về việc cấp mã số vùng trồng bưởi để xuất khẩu vào Mỹ, ông Thiệt cho biết, phía Mỹ đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật cấp. Hiện ở Việt Nam có 16 mã số vùng trồng bưởi đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét xuất sang Mỹ.

Theo tạp chí Thương trường, trước trái bưởi, Việt Nam có 6 loại trái cây được xuất khẩu sang Mỹ, gồm thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vú sữa và vải. Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ xuất khẩu sang Mỹ thêm hai loại trái cây mới là chanh dây và dừa.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, trước đây Việt Nam đã xuất khẩu dừa sang Mỹ với điều kiện phải gọt vỏ. Tuy nhiên, sau đó, chính sách của Bộ Nông nghiệp thay đổi, bắt buộc dừa xuất khẩu vào thị trường này phải gọt hết vỏ, chỉ chừa lại phần gáo dừa. Việc gọt hết vỏ sẽ không bảo quản được lâu nên việc xuất khẩu dừa sang Mỹ không thể thực hiện được nữa. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với phía Mỹ nhằm tìm hướng mới để tiếp tục xuất khẩu.

Trái bưởi Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh minh hoạ

Về tình hình xuất nhập khẩu, theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 sản nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan dù gặp nhiều yếu tố bất lợi. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp đã tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, chủ động mở rộng thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cao.

“Sản xuất nông nghiệp đang giảm dần thế bị động, bám sát nhu cầu, thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định. Cùng với đó, việc mở rộng, hướng tới các thị trường có giá trị cao đã và đang định hình vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt hơn 2 tỷ USD” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lý giải.

Phân tích thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, đến nay, Cục đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, TP; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Gần nhất có 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt, và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Hay như mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng năm 2022 lên tới 2,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, một số sản phẩm gạo chất lượng cao đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Hiện tại, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới vẫn đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam rất cao.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu