09:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tội phạm lừa đảo đã đánh cắp 14 tỷ USD trong năm 2021

Phương Linh (tổng hợp) | 16:58 07/01/2022

(THPL) - Ngày 6/1, công ty phân tích Chainalysis cho biết, những tội phạm mạng hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số đã thu về được số tiền kỷ lục 14 tỷ USD trong năm 2021.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nước đang kêu gọi tăng cường kiểm soát lĩnh vực tiền kỹ thuật số vốn đang tăng trưởng nhanh chóng.

Theo báo Tin tức, báo cáo của Chainalysis nhận định, tiền kỹ thuật số đổ vào các địa chỉ ví điện tử liên quan tới các hoạt động phi pháp bao gồm lừa đảo, thị trường chợ đen và sử dụng mã độc tống tiền (ransomware) đã tăng 80% so với 1 năm trước đó. Các giao dịch liên quan tới các địa chỉ phi pháp chỉ chiếm 0,15% tổng lượng giao dịch tiền kỹ thuật số - mức thấp nhất từ trước tới nay. Trong năm ngoái, tổng lượng giao dịch tiền kỹ thuật số đạt 15.800 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với 1 năm trước.

Chainalysis đã cảnh báo hành vi lạm dụng đồng tiền kỹ thuật số tạo ra trở ngại lớn cho việc lưu hành những đồng tiền này, làm gia tăng khả năng chính phủ các nước áp đặt biện pháp hạn chế trong khi nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất là người dân vô tội trên khắp thế giới. Chainalysis cũng chỉ ra rằng một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng tội phạm liên quan tới tiền kỹ thuật số là sự bùng nổ của các hành vi lừa đảo và trộm cắp trên các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi).

DeFi là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng của thị trường tiền số, nhằm mục đích loại bỏ bên trung gian như ngân hàng khỏi các giao dịch tài chính như vay vốn.

Giới lừa đảo đã đánh cắp 14 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh minh họa

Báo VnExpress cho hay, theo số liệu thống kê của Chainalysis, khối lượng giao dịch DeFi tăng 912% năm 2021. Lợi nhuận ấn tượng từ các token phi tập trung như Shiba Inu cũng thúc đẩy một cơn sốt tìm kiến lợi nhuận từ các token DeFi. Nhưng có rất nhiều cảnh báo khi nói đến giao dịch trong hệ sinh thái non trẻ này.

Kim Grauer, Trưởng nhóm nghiên cứu của Chainalysis, cho biết một vấn đề với DeFi là nhiều giao thức mới đang được tung ra có các lỗ hổng mã hóa mà tin tặc có thể khai thác. 21% các vụ đột nhập năm 2021 tận dụng các lỗ hổng này. Cũng theo Grauer, dù có các công ty bên thứ ba thực hiện kiểm tra mã và chỉ định công khai các giao thức nào là an toàn, nhiều người vẫn chọn các nền tảng rủi ro, bỏ qua bước này vì muốn nhận lợi nhuận lớn hơn.

Hành vi trộm cắp tiền số đã tăng 516% so với năm 2020, lên tới 3,2 tỷ USD. Trong số này, 72% số tiền bị đánh cắp được lấy từ các giao thức DeFi. Trong khi đó, thiệt hại do lừa đảo tăng 82%, lên 7,8 tỷ USD.

Hơn 2,8 tỷ USD trong số này đến từ một trò lừa tương đối mới nhưng rất phổ biến, được gọi là "Rug Pull" (rút thảm). Khái niệm này chỉ những người phát triển dự án tiền số ôm tiền của các nhà đầu tư và biến mất.

"Với sự nhộn nhịp của DeFi, mọi người có thể cảm thấy hài lòng với việc sử dụng các nền tảng kém an toàn, do sợ bỏ lỡ lợi nhuận tiềm năng", Grauer giải thích.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu