23:33 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm hành vi trả tiền để được tiêm vaccine

13:41 16/08/2021

(THPL) - Kết luận hội nghị trực tuyến ngày 15/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine, như trả tiền để được tiêm.

Ngày 15/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sơ kết 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.

Theo báo Chính phủ, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, phân tích thật kỹ các nguyên nhân chủ quan, thảo luận các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp, tổ chức thực hiện, phân cấp phân quyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân.

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây hậu quả nặng nề, tàn phá nhiều nước trên thế giới và nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Việc chống dịch lần này là chưa có tiền lệ, do đó phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. "Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.

Thủ tướng yêu cầu, tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Các đồng chí Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các lĩnh vực tùy theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, bảo đảm rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Các địa phương phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng, có bộ phận thường trực giúp việc 24/7. 

Khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Tranh thủ thời gian "vàng" giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng. Phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm việc phòng ngừa, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Theo báo Công lý, về thực hiện chủ trương “4 tại chỗ”, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch. Lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Trung ương.

Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất...Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà). 

Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này.

Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng…, giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị. Tổ chức việc huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số mắc bệnh lớn, nhiều bệnh nhân nặng (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...). Hướng dẫn cách làm các túi thuốc an sinh, cấp miễn phí và hướng dẫn các F0 tại nhà sử dụng.

Về thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng, F1 tại nhà, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh để xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình, cách thức để an toàn, hiệu quả nhất và có cách tiếp cận y tế sớm nhất khi cần thiết.

Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì vùng xanh bền vững. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế. Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất, Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, ô xy, giường ICU...

Tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vacine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm  sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm. Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vaccine.

Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả của Tổ COVID cộng đồng, tổ chức các kênh, nhân lực ứng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, yêu cầu của người dân. Không để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân mọi lúc, mọi nơi...

Thủ tướng đề nghị lực lượng công an, quân đội vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm tình hình, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Lực lượng công an bảo đảm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Quân đội phát huy vai trò “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất”.

Thủ tướng nhắc lại, việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều rất quan trọng là củng cố niềm tin chiến thắng cho nhân dân, doanh nghiệp với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân để vượt qua đại dịch, đưa đất nước tiếp tục đi lên, người dân được ấm no, hạnh phúc, an toàn, cố gắng giữ vững chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hòa, cung ứng lao động, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu