10:20 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ ở Trung Bộ

07:34 26/11/2024

(THPL) - Ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 120/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.

Theo đó, tại Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, chia cắt giao thông, một số khu dân cư vùng thấp, trũng, ven sông suối bị cô lập do ngập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Theo dự báo, trong 2 - 3 ngày tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh có thể xảy ra gió mạnh trên biển, nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Trung Bộ. Để chủ động ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của Nhân dân, đồng thời khắc phục nhanh nhất hậu quả khi xảy ra thiên tai, sự cố.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tập trung: Huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị thiếu đói.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ theo đúng quy định. Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ.

Đường Bạch Đằng ở TP Huế ngập sâu trong nước do mưa lớn sáng 25/11. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương chỉ đạo vận hành khoa học, an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, đồng thời lưu ý chủ động tích đủ nước cuối mùa lũ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Quốc phòng huy động thiết bị bay không người lái hỗ trợ địa phương khảo sát các khu vực xung yếu để kịp thời phát hiện vết nứt, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét nhằm cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa, di dời dân cư đảm bảo an toàn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt để sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Bộ Công an chỉ đạo triển khai lực lượng phân luồng, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai; chỉ đạo các cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẵn sàng triển khai hỗ trợ người dân ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân vùng bị ngập lũ, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ; triển khai công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hạn chế thiệt hại đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập tại các khu vực bị ngập sâu chia cắt; triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó thiên tai theo nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan kịp thời đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai sớm khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống Nhân dân.

Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại miền Trung

Tại Thừa Thiên-Huế, lượng mưa từ ngày 18 đến 25/11 đạt mức cao kỷ lục, nhiều nơi như núi Bạch Mã ghi nhận tới 2.997 mm. Mực nước các sông lớn như sông Hương, sông Bồ dâng cao, ngập lụt xảy ra ở nhiều khu vực thấp trũng. Hơn 290.000 học sinh trên địa bàn đã phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Các tuyến đường như Tố Hữu, Lê Quang Đạo, Nguyễn Chí Thanh và nhiều vùng tại huyện Quảng Điền ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, khuyến cáo người dân không di chuyển qua các điểm ngập nguy hiểm.

Mực nước một số sông tại khu vực miền Trung lên trên mức báo động 1, 2. Ảnh: KTĐT

Tại Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các huyện miền núi như Nam Trà My và Bắc Trà My. Chính quyền đã di dời khẩn cấp 133 hộ dân với 488 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến đường như DH6, DH7 và các tuyến vào các xã Trà Dơn, Trà Don bị sạt lở, gây hư hỏng nặng, cô lập một số khu vực. Một điểm trường tại xã Trà Cang bị sạt lở làm sập tường, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng giáo dục.

Tại huyện Phước Sơn, mưa lớn sạt lở làm nhiều tảng đá có kích thước lớn rơi xuống làm xô lệch mặt cầu, nứt vỡ các dầm ngang tại cầu Đắk Mi 1 gây ách tắc cục bộ. Ban Quản lý Dự án 4 đã chỉ đạo nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực hốt dọn đất đá sụt, thu dọn cây. Đồng thời, bố trí, lắp đặt barie, biển báo, cử người trực gác 2 đầu phối hợp với các lực lượng đảm bảo an toàn và phân luồng giao thông.

Tại Bắc Trà My, điểm sạt lở trên QL24C chạy qua xã Trà Do và Trà Núi, đồng thời tuyến đường xã Trà Giáp đi Trà Ka tiếp tục bị sạt lở nguy cơ đứt đường. 

Chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung khắc phục điểm sạt lở, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm và tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết phức tạp.

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của mưa lớn, tại nhiều địa phương đã ghi nhận thiệt hại tương đối lớn. Trong đó, tại Thừa Thiên Huế đã có 2 người bị thương do sạt lở đất vào nhà.

Một số tuyến đường tỉnh (1, 2, 3, 5, 8A, 12B, 12D, 15B, 19) đã bị ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại cả người dân, nhất là tại Thừa Thiên Huế. Trong khi đó tại Quảng Nam, cơ quan chức năng cũng ghi nhận đến 25 điểm đường bị sạt lở.

Để hạn chế thiệt hại về người do mưa lũ, các tỉnh khu vực miền Trung đã chủ động sơ tán tổng số 312 hộ dân với 1.030 người khỏi những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 174 hộ/507 người; Quảng Nam 138 hộ/523 người.

Mai Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu