03:59 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Mưa lũ kéo dài, Lào Cai và Yên Bái sạt lở nghiêm trọng nhiều nơi

Phương Linh (t/h) | 09:20 11/09/2024

(THPL) - Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đến 5 giờ ngày 11/9, đã có 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích) do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.

200 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đến 5 giờ ngày 11/9, đã có 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích).

Tại Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).

Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích), gồm: Sa Pa 9, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2, Bảo Yên 20; hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 20, Văn Chấn 1, Văn Yên 4, Trấn Yên 2.

Bão số 3 quật đổ nhiều cây xanh ở thành phố Hạ Long, nhiều mái tôn của nhà dân, công sở bị thổi bay.

Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất); Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền)

Như vậy, số người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ tăng 13 người so với báo cáo lúc 22 giờ ngày 10/9. Trong đó, Lào Cai tăng 11 người: Sa Pa: 1; Si Mai Cai: 3; Bắc Hà: 2; Bảo Yên: 5 (không thuộc khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh); Vĩnh Phúc: 2 người.

Lũ quét kinh hoàng vùi lấp cả thôn 128 người ở Lào Cai

Theo thông tin ban đầu, sáng 10/9, lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Theo thống kê, lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ nơi 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tổ chức ứng cứu. Đến 18 giờ cùng ngày, các lực lượng xác định có trên 30 người bị thương và sống sót, tìm thấy 15 thi thể, các nạn nhân còn lại vẫn đang mất tích.

Theo người dân địa phương, khu vực này chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở đất xảy ra, tất cả đều hoàn toàn bất ngờ.

Hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng tại Lào Cai. Ảnh: báo Lào Cai

Ông Hoàng Văn Điệp, Trưởng thôn Làng Nủ, cho biết vụ việc xảy ra vào 6 giờ sáng cùng ngày, người dân nhìn thấy đám bùn đất to ở trên cao 100 m sạt trên núi xuống. Sau tiếng kêu "bùm", bùn đất đổ ụp xuống khu vực người dân đang sinh sống, tất cả các ngôi nhà đều bị đẩy bay.

Cùng ngày, tại Lào Cai cũng xảy ra vụ một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (xã Bản Cái, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) khiến 1 người bị thương, nghi 5 người mất tích. Nguyên nhân vụ việc được xác định do mưa lớn nhiều ngày nên lượng lớn đất đá tràn xuống nhà điều hành của nhà máy thủy điện gây sập.

Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động 60 người là lực lượng bộ đội, công an huyện cùng dân quân các xã đến hiện trường để tập trung cứu hộ, cứu nạn. Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã điều động 1 xuồng hơi để vận chuyển người bị nạn và 1 máy điện thoại vệ tinh để duy trì liên lạc.

Vỡ đê sông Lô tại Tuyên Quang

Tối ngày 10/9, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xác nhận đê sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện công tác vá đê đang khẩn trương được triển khai.

Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Trước đó tại vị trí này đã có dấu hiệu của rò rỉ nước, công tác di dời người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đã được triển khai nên không có thiệt hại về người.

Những bao đất, tải cát được người dân và các lực lượng chức năng chuyển đến hiện trường triển khai ứng phó đoạn đê vỡ. Ảnh: CAND

Thời điểm 22 giờ (10/9), hàng trăm người dân và các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương chuyển các bao đất tới vị trí vỡ đê. Nhiều xe tải chở đá và máy xúc cũng đã được huy động tới hiện trường để ứng phó với sự cố.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa lớn. Cùng với Thủy điện Tuyên Quang mở hết 8 cửa xả đáy đã khiến lũ trên sông Lô lên cao gây ngập úng tại nhiều khu vực.

Tối 10/9, tình hình lũ các sông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3 tại Tuyên Quang.

Lũ trên sông sông Hồng dâng cao, Hà Nội di dời hơn 1.000 người dân

Khoảng 22 giờ ngày 10/9, cơ quan chức năng quận Ba Đình (Hà Nội) đã hoàn thành di dời 276 hộ với 1.059 nhân khẩu dọc bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá khi lũ sông Hồng tại Hà Nội lên nhanh, vượt báo động 2.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, qua điều tra có 276 hộ với 1.059 nhân khẩu, trong đó có 58 hộ thuê phòng trọ dọc bờ vở sông Hồng trên địa bàn phường Phúc Xá (chủ yếu nhà tạm, kết cấu không bảo đảm).

Khi lũ gần với mốc báo động II (10,5 m), những hộ gia đình này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Các hộ dân này đã được di chuyển đến trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch).

Lũ trên sông Hồng đã vượt mức báo động 2. Ảnh: Báo Giao thông

Trước tình trạng ngập lụt trên diện rộng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

"Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Yên Bái công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký ban hành Quyết định 1814/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tình huống: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng.

Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố.

UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng Sở, Ngành, Địa phương trong tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn Yên Bái, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Yên Bái công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Ảnh: Tiền phong

Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.

Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình của mưa lũ và tình hình thực tế của các địa phương, chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh đến lớp hoặc nghỉ học theo quy định;...

Trên 12.000 hộ dân ở thành phố Yên Bái phải di dời

Do ảnh hưởng của bão số 3, ở thành phố Yên Bái có mưa rất to, mực nước sông Hồng qua Yên Bái dâng cao, lúc 9 giờ 30 phút ngày 10/9 đã đạt 35,5m (trên mực nước lũ lịch sử năm 2008 là 1,24m), gây sạt lở nhiều điểm, ngập úng diện rộng, chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Hiện, nhiều phường, xã của thành phố đang bị cô lập, giao thông chia cắt.

Mưa lũ làm 20 người chết, 4 người bị thương do sạt lở đất; trên 300 nhà ở bị thiệt hại, sập, hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, còn gây ngập úng trên diện rộng, chiếm 50% diện tích toàn thành phố, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình. Khoảng trên 12.000 hộ bị ảnh hưởng phải di dời tạm thời đến các vị trí an toàn.

Phương Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu