13:19 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng: Phấn đấu GDP năm 2020 tăng trưởng trên 5%, giữ lạm phát dưới 4%

15:33 09/05/2020

(THPL) - Sáng 9/5, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước những thách thức trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, hội nghị lần này cần phải tập trung hơn nữa vào các giải pháp nhằm tái khởi động nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của các tổ chức quốc tế là khoảng 2,55%; đặc biệt phải giữ kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm với các chủ đề cụ thể xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng, được ví như "Hội nghị Diên Hồng" đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 6.000 người trực tiếp tham gia tại các điểm cầu; hơn 800.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh cùng nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi diễn biến sự kiện.

Theo báo TTXVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội nghị, qua đó, không chỉ ghi nhận những nỗ lực vượt khó, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh để động viên tinh thần doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thủ tướng nhận định đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, mạng sống của 1 nhóm người hay 1 cộng đồng mà nay đã ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên hành tinh.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 4, tại Hà Nội (Nguồn: Internet)

Trên phương diện kinh tế, đại dịch Covid-19 đã gây tác động, suy thoái đối với mọi ngành, lĩnh vực; từ phía cung tới phía cầu, từ thị trường tài chính tới nền kinh tế thực, từ sản xuất tới tiêu dùng, từ công nghiệp tới dịch vụ, từ hàng không tới du lịch, từ nội thương tới ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động tới các ngành thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ tới ôtô, từ các quốc gia đang phát triển tới các nước phát triển, bất kể quy mô kinh tế lớn hay nhỏ đều không tránh khỏi tác động.

Tuy nhiên, như bao biến cố lớn trong lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng dù có thể sẽ có nhiều tổn thất hay mất mát, thậm chí có nhiều người đã không thể vượt qua. “Đến giờ này có thể nói những doanh nghiệp, những hợp tác xã, những hộ cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tham dự sự kiện hôm nay là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Việt Nam trong cuối tháng 3 năm 2020 được dự báo tăng trưởng 4,5% và quý 1 vừa qua đã đạt mức tăng trưởng 3,83%. Mặc dù là mức thấp nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây, song vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, Việt Nam vẫn duy trì khá tốt mức tăng trưởng cho dù thấp so cùng kỳ năm trước nhưng ở mức cao hơn so với các khu vực ASEAN và toàn châu Á.

Theo báo Kinh tế đô thị, trước tình hình trên, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 6 đề nghị tới cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, mong muốn các doanh nghiệp yêu Tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ đến Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thủ tướng cảm ơn tinh thần chia sẻ của nhiều doanh nghiệp với Chính phủ, nhiều hộ kinh doanh cá thể nhường cơm sẻ áo trong lúc dịch bệnh. Thứ hai, cần đoàn kết, mất đoàn kết là tự làm yếu mình. Thứ ba, không nản chí, nản chí là tự bỏ cuộc. Thứ tư, năng động, quyết đoán, thụ động lưỡng lự là mất cơ hội. Thứ năm, sáng tạo, thiếu sáng tạo là tự thụt lùi. Thứ sáu, có niềm tin, tự mình chối bỏ mình nếu không có niềm tin.

Thủ tướng cho rằng việc gì quá dễ dàng thì kém ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Ông nhấn mạnh lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí.

Hội nghị được tổ chức là hội nghị rất khác so với các lần trước, thể hiện tinh thần yêu nước. Mà yêu nước thì phải hành động. Doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển theo hình chữ V, chứ không phải là U hay W”, Thủ tướng nói nói.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này. Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Thủ tướng cho biết Việt Nam còn nhiều nút thắt, điều này Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn lo đến. Nhưng lúc này, các doanh nghiệp không bàn lùi, than nghèo, kể khổ, cần nêu ra trở ngại lớn cả ngành. Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, chỉ có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận

Thủ tướng đặt kỳ vọng hội nghị kết tinh tinh thần yêu nước người dân và doanh nghiệp, tái cơ cấu, vượt qua yếu kém, vượt lên tăng trưởng, không chỉ tạo dựng môi trường đoàn kết, yêu lao động, đóng góp cho đất nước, các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Hội nghị sẽ không có nói suông, không nói rồi để đó, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải "xắn tay áo", địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. “Phải có chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Cũng phải có tinh thần chống trì trệ như chống dịch. Virus trì trệ nằm ngay trong tổ chức, doanh nghiệp và địa phương”, Thủ tướng nói.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu