09:49 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường ô tô toàn cầu có thể "hụt" 7,1 triệu xe do thiếu chíp

15:26 21/08/2021

(THPL) - Theo nhận định của IHS Markit, tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu sẽ khiến sản lượng ô tô trên khắp thế giới giảm khoảng 7,1 triệu chiếc trong năm nay.

Trong báo cáo công bố vào ngày thứ Năm của Công ty phân tích tài chính IHS Markit cho biết, tình trạng thiếu chip sẽ không được giải quyết cho đến nửa sau năm 2022. Triển vọng bi quan này có thể coi như cung cấp thêm bằng chứng cho việc cuộc khủng hoảng chip còn lâu mới qua đi.

Dự báo của IHS Markit chưa tính đến thông báo mới nhất của nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất thế giới Toyota vừa đưa ra hôm (19/8). Theo đó, Toyota sẽ tạm thời đóng cửa 14 nhà máy và cắt giảm tới 40% sản lượng từ tháng 9 tới. Theo kế hoạch ban đầu, Toyota dự định sản xuất khoảng 900.000 xe trong tháng 9, nhưng con số này đã được cắt giảm còn 540.000 xe.

IHS Markit dự báo tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài tới quý 2 năm sau, do đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng mạnh tới khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất chip cung cấp cho thị trường thế giới.

Sản lượng ô tô toàn cầu có thể giảm 7,1 triệu xe do thiếu chíp. Ảnh minh họa

Báo VnExpress đưa tin, báo cáo của IHS cũng cho biết tỷ lệ tiêm chủng thấp và tình hình lây nhiễm gia tăng ở Đông Nam Á đang khiến các nhà máy lắp ráp các loại chất bán dẫn phải đóng cửa. Ford Motor cho biết hôm thứ Tư (18/8) sẽ ngừng hoạt động nhà máy xe bán tải F-150 gần thành phố Kansas (Missouri, Mỹ) vào tuần tới, bởi "sự thiếu hụt bộ phận liên quan đến chất bán dẫn do đại dịch COVID-19 ở Malaysia".

Nhiều hãng xe khác, gồm General Motors (GM), Ford, Nissan, Damiler, BMW và Renault, cũng đã tuyên bố cắt giảm sản lượng gần đây vì thiếu chip.

Nhờ tích trữ con chip, Toyota trước đây ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng xe khác trong cuộc khủng hoảng linh kiện bán dẫn. Tuy nhiên giờ đây, hãng cho biết COVID-19 bùng phát ở châu Á do biến chủng Delta buộc hãng phải giảm sản lượng tháng 9.

Trang CafeF thông tin thêm, cũng theo IHS, dự kiến sẽ phải chờ đến quý 2/2022 mới có thể biết đến sự bình ổn về nguồn cung, các nỗ lực bình ổn nguồn cung dự kiến chỉ có thể bắt đầu từ nửa sau năm 2022.

Mặc dù nhu cầu chip của phần lớn các ngành đều bị cắt giảm trong năm 2020, thế nhưng cầu từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu chip số 1 thế giới lại không hề giảm, thậm chí người Trung Quốc thu gom chip "điên cuồng" hơn trong thời dịch bệnh. Sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp các lệnh cấm bán chip cho doanh nghiệp Trung Quốc, nước này đã tăng cường thu mua từ mọi nguồn để phòng ngừa cho rủi ro chuỗi cung có biến động.

Các công ty gia công chip toàn cầu cũng sẽ ưu tiên sản xuất đơn hàng cho Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu đặt hàng chip của các nước khác giảm mạnh. Đây cũng là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến sự thiếu hụt trong nguồn cung chip.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu