15:33 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường mua bán - sáp nhập của Việt Nam hút nhà đầu tư nước ngoài

10:57 16/11/2023

(THPL) - Trong những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều thị trường châu Á khác nhau, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Điều này cho thấy, Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A). Thị trường này sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn ở một số ngành như bán lẻ, sản xuất, logistics, bán dẫn.

Tại Hội nghị GMAP lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam diễn ra vào ngày 13/11 vừa qua, một số chuyên gia nhận định, dòng vốn mới từ các công ty châu Âu, Mỹ đang đổ vào thị trường Việt Nam. Tuy thị trường M&A Việt Nam có quy mô chưa lớn, những sẽ vẫn tiếp tục duy trì sức hấp dẫn.

Theo đó, ông Ivan Alver, đồng chủ tịch GMAP cho rằng, điểm mạnh của thị trường Việt Nam là có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao, chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. “Vì vậy, các công ty đa quốc gia đang lựa chọn Việt Nam làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng thị trường đang ngày càng cạnh tranh và tăng trưởng”, ông Ivan Alver nói.

Vẫn theo ông Ivan Alver đánh giá: “Ngoài triển vọng trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam còn hứa hẹn là thị trường tiêu dùng với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Bất chấp sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ phải đầu tư nhiều hơn để thâm nhập thị trường này”.

Thị trường mua bán - sáp nhập của Việt Nam hút nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ

Đánh giá về thị trường mua bán - sáp nhập, ông Masataka Yoshida, CEO của Recof Việt Nam tin hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động dù kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm vì các nhà đầu tư theo đuổi các giao dịch nhằm thâm nhập thị trường, hoặc để củng cố và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Logistics là lĩnh vực đang thu hút nhiều "đại bàng" FDI vì các công ty đa quốc gia chọn tuyệt vời để tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nổi bật nhất trong quá trình này là những tên tuổi lớn như Apple, Foxconn, Luxshare (cả Foxconn và Luxshare đều là nhà cung cấp của Apple), công ty bán dẫn Amkor của Mỹ đang đầu tư 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh, hay tập đoàn đồ chơi Lego đang đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy không phát thải carbon đầu tiên của Lego ở Bình Dương…

Về logistics, tập đoàn đa ngành hàng đầu Singapore là Sembcorp Industries đang xây dựng Trung tâm kho vận Sembcorp Logistics Park tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Trong khi đó, công ty SLP khởi công xây dựng dự án logistic SLP Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Thuận Thành 2 (huyện Thuận Thành) ngày 9/11 vừa qua. Đây là dự án thứ ba của SLP tại Bắc Ninh sau 2 dự án có tên SLP Park Yên Phong và SLP Park Nam Sơn Hợp Lĩnh cùng trong năm 2023. Và Bắc Ninh cũng là tỉnh có nhà máy bán dẫn quy mô lớn của Amkor.

Theo ông Sam Yoshida, riêng ở Việt Nam, những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech.

“Riêng 20 giao dịch M&A xuyên biên giới mà chúng tôi vừa công bố, thì hiện tại, chưa có giao dịch nào liên quan tới Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi vẫn nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng. Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm những cơ hội và đối tác tiềm năng để giới thiệu lại cho các thành viên trong mạng lưới GMAP”, ông Sam cho biết.

Hiện nay, hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đang nóng lên với nhiều thương vụ diễn ra gần đây và hàng loạt kế hoạch mới được ấp ủ. Cụ thể, ngày 20/10 vừa qua, VPBank thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược.

VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC vào cuối tháng 3/2023. Với giá trị 1,5 tỷ USD, tương đương 35.900 tỷ đồng, đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. SMBC chính là cổ đông mua 49% cổ phần của Công ty tài chính FE Credit, công ty con của VPBank hồi năm 2021.

Không riêng VPBank, nhiều nhà băng khác cũng đang đẩy mạnh kế hoạch M&A. Chẳng hạn, SeABank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là Quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này ước tính sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Làn sóng M&A trong ngành tài chính ở Việt Nam được cho là sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng. Tại Chỉ thị 01 được Thống đốc Ngân hàng ban hành đầu năm nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm nay là xử lý các ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc.

Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank). Cơ quan này cũng đang tìm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương.

Xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam tới đây sẽ diễn ra mạnh hơn, dòng vốn chủ yếu vẫn đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… và kỳ vọng sẽ có thêm nguồn vốn từ các nước châu Âu khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, các ngân hàng kỳ vọng sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bên cạnh năng lực tài chính tốt còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các nhà băng. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh về công nghệ giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ngay cả giữa các ngân hàng diễn ra rất quyết liệt thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh, vốn ngoại giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hoá chi phí; mạng lưới thị phần tăng lên, từ đó tăng thêm hiệu quả hoạt động.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu